Tiêu điểm

'Thủ tướng nói chủ trương 1 thì bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải có biện pháp 10'

(VNF) - “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi xin đề nghị các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí bí thư, các đồng chí chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

'Thủ tướng nói chủ trương 1 thì bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải có biện pháp 10'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tổ chức ngày 2/7, Thủ tướng quán triệt tinh thần kiên quyết không để dịch bệnh quay lại và thực hiện các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập.

Bên cạnh một số kết quả nổi bật, Thủ tướng cũng nhận định tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước.

“Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%.

Nhắc lại việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), trong đó 60% nằm ở các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

“Đồng chí bí thư, chủ tịch đi kêu gọi vốn về thì phải tập trung chỉ đạo vấn đề này, đừng chỉ khoán trắng cho cấp dưới, không có đủ khả năng tháo gỡ”, Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8/2020.

“Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ. Bởi cơ chế trước đây phải trình Quốc hội thì nay Quốc hội đã có nghị quyết giao Thủ tướng về vấn đề này. Anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác, nhiều đơn vị đang thiếu vốn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Về tiền tệ và tín dụng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất, chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu. Ngân hàng thương mại phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này.

Về tài khóa, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn có liên quan đến thuế, phí, lệ phí, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào, giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký ô tô, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, giảm thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể…

Nhấn mạnh yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo tỉnh là bí thư, chủ tịch phải nghe xem doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ cá thể trên địa bàn của mình khó khăn như thế nào để mà tháo gỡ, tạo điều kiện.

Đối với công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng nhắc đến việc đưa bà con có nhu cầu về nước (con số này vào khoảng 14.000 người), đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông vận tải bố trí phương tiện để xử lý vấn đề này.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi đề nghị các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí bí thư, các đồng chí chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể. Các đồng chí bí thư, chủ tịch tự hỏi vì sao giải ngân chậm, khâu nào, do cái gì để làm cho được”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, muốn thành công thì phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm sự chậm chạp, ù lì, virus trì trệ, đồng thời chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Tin mới lên