Tiêu điểm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác'

(VNF) - Nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác'

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 17/9, Thủ tướng chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và sớm ban hành chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường đầu tư nước ngoài; đồng thời tiếp tục phản hồi, làm rõ hơn những vấn đề còn khúc mắc được nêu tại hội nghị.  

Theo Thủ tướng, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay.

Việt Nam thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

"Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết 8 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung có lạm phát cao và tăng trưởng thấp, thì kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả khá tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng có xu hướng cao, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.

"Chúng ta có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã chung tay, chung sức, đồng lòng để vượt qua. Chúng tôi hết sức trân trọng và xúc động vì điều đó", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng" thì phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Đối với đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió, điện mặt trời, mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức, đối tác quốc tế tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng sạch bảo đảm công bằng, công lý, nhất là có ưu đãi về tài chính với lãi suất phù hợp cho các dự án trong lĩnh vực này.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực".

Thủ tướng yêu cầu việc thu hút đầu tư nước ngoài phải cân đối, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, đảm bảo phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; có kế hoạch kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; tập trung nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư vào những lĩnh vực, ngành nghề mới có giá trị gia tăng cao; công nghệ kỹ thuật, khoa học hiện đại.

Tin mới lên