Công nghệ

Thủ tướng ra 'deadline' cho Bộ TT&TT làm duy nhất 1 ứng dụng phòng chống dịch

(VNF) - Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong tuần này phải thống nhất, tích hợp các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch (tiêm vaccine, sổ sức khỏe, xét nghiệm…) để người dân chỉ phải sử dụng 1 ứng dụng.

Thủ tướng ra 'deadline' cho Bộ TT&TT làm duy nhất 1 ứng dụng phòng chống dịch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Ngày 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang – nơi tình hình dịch có nhiều diễn biến đáng lo ngại.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo tình hình có thể phức tạp hơn.

Về nguyên nhân, Thủ tướng nêu rõ qua kiểm tra cho thấy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số nơi chưa nắm chắc, chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương; còn có những bất cập trong quản lý cách ly, di chuyển, điều trị…

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải nắm thật chắc các chủ trương, biện pháp về phòng chống dịch, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả tới cấp huyện, cấp xã và tới người dân. Phải tăng cường giám sát, kiểm tra; tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, cấp dưới kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia, rà soát, thống nhất các biểu mẫu báo cáo để bảo đảm gọn, rõ, đơn giản, sát thực tế, dễ hiểu, dễ nghe, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo thống nhất, tích hợp các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng chống dịch (tiêm vaccine, sổ sức khỏe, xét nghiệm…) để người dân chỉ phải sử dụng 1 ứng dụng, bảo đảm thuận tiện nhất. Thủ tướng đề nghị hoàn thành nhiệm vụ này trong tuần.

Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, các giải pháp để đạt mục tiêu. Trên cơ sở thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế, việc tổ chức thực hiện có thể phân tán, phân cấp tới tận thôn, bản, tổ dân phố… tùy tình hình cụ thể. Cùng với đó là các biện pháp bảo vệ vùng xanh, phát triển kinh tế - xã hội tại những nơi an toàn…

“Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9”, Thủ tướng yêu cầu.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 11/9 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19 (sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế, QR Code, xét nghiệm…). Thủ tướng yêu cầu thống nhất 1 ứng dụng trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân.

Tại buổi làm việc về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, ngày 10/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ngày 11/9, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19.

Tài liệu này quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn về việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn các dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành xây dựng nền tảng mã QR quốc gia, dự kiến mất khoảng một tuần để các ứng dụng kết nối, đồng bộ dữ liệu.

Tin mới lên