Tiêu điểm

Thủ tướng trao toàn quyền bán vốn nhà nước cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

(VNF) – Đối với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Bán bao nhiêu phần trăm vốn nhà nước là do Bộ trưởng quyết định. Nếu có vướng mắc với các bộ khác, không thống nhất được, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ trưởng, không cần báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng trao toàn quyền bán vốn nhà nước cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được trao quyền quyết định bán vốn nhà nước tại Bộ Công Thương

Thủ tướng khen ngợi Bộ Công Thương

Ngày 22/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 3 vấn đề.

Trước hết, đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Đây là một bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vừa qua, Bộ đã giảm được 5 đầu mối, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng đến Bộ Công Thương

Thứ hai, Thủ tướng biểu dương vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, lập tổ công tác đặc biệt. Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng xử lý, đưa giải pháp cho từng dự án, có dự án tiếp tục đưa vào hoạt động, có dự án tính phương án bán, cổ phần hóa, phá sản…

Thứ ba, với quyết tâm cao nhất, ngày 21/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh.

"Đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh", Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Trao quyền quyết định bán vốn nhà nước cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Bên cạnh việc khen ngợi, Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề yêu cầu Bộ Công Thương cần tiếp tục làm tốt.

Trước hết, tiếp tục xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ. Đây là trách nhiệm rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được Thủ tướng giao. "Việc này không thể kéo dài mãi được. Dự án không khôi phục được, không bán được thì phải tuyên bố phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Thứ hai, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Trong việc này, Thủ tướng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng. Bán bao nhiêu phần trăm vốn Nhà nước là do Bộ trưởng quyết định. Mục tiêu là thu lại cho Nhà nước cao nhất, không tiêu cực, không lợi ích nhóm…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Nếu có vướng mắc thì Bộ Công Thương làm việc với các Bộ, nhưng ngay cả khi không thống nhất được, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ trưởng Công Thương, chứ không báo cáo Thủ tướng nữa.

Việc bán vốn nhà nước tại Bộ Công Thương sẽ do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quyết định

Riêng với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá việc Bộ Công Thương loại bỏ 58% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành là "tích cực hơn mong đợi của Thủ tướng, của Tổ công tác".

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Chẳng hạn như tình trạng một mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản. Hướng cải cách là quy định một mặt hàng chịu sự điều chỉnh của ít văn bản nhất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tình trạng một mặt hàng chịu kiểm tra chuyên ngành của 2-3 Bộ, thậm chí 1 Bộ nhưng có 2 cơ quan cùng kiểm tra. Sắp tới, sẽ báo cáo Thủ tướng xử lý theo hướng 1 mặt hàng chỉ giao 1 Bộ chủ trì.

"Hải quan chỉ kiểm tra 6% số lô hàng, nhưng các bộ kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% số lô hàng. Thời gian kiểm tra của Hải quan chỉ chiếm 28% tổng số thời gian thông quan, nhưng kiểm tra chuyên ngành lên tới 72%", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu thực tế kiểm tra chuyên ngành nhưng Bộ không công bố được quy chuẩn kỹ thuật, chỉ kiểm tra bằng cảm quan, bằng mắt. Tại các cửa khẩu đã lập nhiều điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, nhưng ngoài kiểm dịch động thực vật thì các hoạt động kiểm tra khác, doanh nghiệp vẫn phải mang sản phẩm về Hà Nội để kiểm tra.

Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Công Thương cần cố gắng kết nối giữa Trung tâm Dữ liệu quốc gia của Bộ với Hải quan và các Bộ khác.

Tin mới lên