Bất động sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo về tình trạng 'bến nhiều hơn cảng'

(VNF) - Trước tình trạng bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác hết được tiềm năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu và có ý kiến về việc này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo về tình trạng 'bến nhiều hơn cảng'

Cảng biển đúng nghĩa của Việt Nam chỉ chiếm số ít, thực tế đang có bến nhiều hơn nhiều cảng

Theo Văn phòng Chính phủ, thời gian gần đây, báo chí phản ánh về việc cần xác định đúng chức năng của vùng kinh tế trọng điểm để phát triển hệ thống cảng biển tương ứng. Nếu chỉ phát triển cảng theo định hướng chung chung sẽ rơi vào tình trạng "thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu" gây lãng phí nguồn lực. Thực tế mới chỉ có một số ít cảng được đầu tư đúng nghĩa, còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng chuẩn, nhất là không có hạ tầng kết nối nên không khai thác được hết tiềm năng.

Trước vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT nghiên cứu và có ý kiến.

Trước đó, như VietnamFinance đã thông tin, theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, hiện Việt Nam có 45 cảng biển, tuy nhiên cảng biển đúng nghĩa của Việt Nam chỉ chiếm số ít, thực tế chúng ta đang có bến nhiều hơn nhiều cảng.

"Để biết được kinh tế của một nước đang tăng trưởng hay chững lại hoặc suy thoái… thì chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển với kho bãi, hàng hoá xuất nhập thì sẽ bắt mạch được nhịp thở kinh tế của quốc gia. Nói cách khác, chỉ cần nhìn vào hệ thống cảng biển hiện nay sẽ biết được sức khỏe của nền kinh tế", TS Nguyễn Đức Kiên nói.

Mặc dù đóng vai trò rất quan trọng nhưng hiện nay nhiều cảng biển ở Việt Nam không có kết nối hạ tầng kỹ thuật phía sau. Ví dụ như cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay không có đường sắt và một thời gian rất dài không có đường bộ kết nối. Hay như cảng Lạch Huyện vừa được xây dựng, một cảng rất hoành tráng, vay vốn của Nhật Bản với sự tư vấn của Nhật Bản nhưng cuối cùng cũng lại không có đường sắt kết nối.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện nay chi phí logistic, trong đó tắc nghẽn từ cảng biển lại rất cao, bằng 18% GDP của cả nước, trong khi tại các quốc gia khác con số này cao nhất chỉ khoảng 10%.

“Tắc nghẽn chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm như Bà Rịa-Vũng Tàu, Sài Gòn, Hải Phòng… Các vùng này chiếm tới 60% GDP của cả nước. Giả sử như tăng trưởng ở vùng này tăng thêm 1% thì GDP tăng thêm được 0,6 điểm %. Nếu giảm được chi phí ách tắc từ logistic thì hoàn toàn có thể tăng trưởng thêm”, người đứng đầu CIEM nói.

Xem thêm >>> TS Nguyễn Đức Kiên: 'Nhìn hệ thống cảng biển sẽ biết được sức khỏe của nền kinh tế'

Tin mới lên