Tiêu điểm

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ giao thông ‘chốt’ tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

(VNF) - “Không thể để tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chỉ còn 1% khối lượng mà không hẹn ngày về đích. Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải (GTVT) cần làm rõ vấn đề này với tổng thầu EPC Trung Quốc. Nếu cần, Bộ trưởng có thể bay sang Trung Quốc để đàm phán xử lý”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ giao thông ‘chốt’ tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Rõ ràng, sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1%. Nhưng khối lượng nhỏ nhoi ấy lại quyết định câu chuyện: Bao giờ tuyến đường sắt về đích?

Đến thời điểm này dự án đã đội vốn tới 40%, từ tổng mức ban đầu được phê duyệt năm 2008 hơn 550 triệu USD (trong đó vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD). Đến nay, tổng mức đầu tư đã vọt lên 891,9 triệu USD, đội giá thêm 339,1 triệu USD.

"Đường sắt Cát Linh- Hà Đông êm hơn đường sắt quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói trong chuyến thị sát đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo tính toán, với số lượng vay phát sinh như trên, dự án đang phải trả lãi, gốc phát sinh cho China EximBank là 14,4 triệu USD/năm, trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay. Nếu cộng cả 2 khoản vay, mỗi ngày, phía Việt Nam đang phải trả cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng. Như vậy, nếu chậm 1 năm chúng ta phải trả tới 876 tỷ đồng.

Rõ ràng, việc không vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã tác động lớn đến kinh tế xã hội và trước mắt hàng trăm tỷ đồng vẫn phải trả lại cho một dự án nhiều tai tiếng.

Vì thế, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải quyết liệt hơn nữa trong việc sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào hoạt động.

Theo thiết kế, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có chiều dài trên 13 km, có tổng mức đầu tư 8.770 tỷ đồng (tương đương 553 triệu USD). Trong đó nguồn vốn vay của Trung Quốc 419 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án có 12 nhà ga, từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.

Đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1435 mm, tốc độ tối đa 80 km/giờ, thời gian chạy hết 23,63 phút mỗi lượt, lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người mỗi giờ, tương đương hơn một triệu người mỗi ngày

 

Tin mới lên