Thị trường

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để 'gỡ khó' cho doanh nghiệp vận tải biển

(VNF) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan đôn đốc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để 'gỡ khó' cho doanh nghiệp vận tải biển

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp khắc phục khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động làm việc với các ngành hàng, nhất là các đơn vị có lượng hàng vận chuyển xuất, nhập khẩu lớn để trao đổi, thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm ưu tiên, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu theo chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển đội tàu.

Đặc biệt, đôn đốc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa nguồn vốn, tăng hiệu quả đầu tư phát triển vận tải biển của Việt Nam.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ động chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải hàng hải và báo cáo Thủ tướng trong quý I/2020.

Trước đó như VietnamFinance đã thông tin, các công ty vận tải biển đánh giá triển vọng kinh doanh trong năm 2019 khá tiêu cực. Nhiều công ty bán trụ sở, bán tàu để xử lý nợ tồn đọng.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Container phía Nam (VSG) kết thúc năm 2018 tiếp tục bị lỗ hơn 54,2 tỷ đồng, đưa khoản lỗ lũy kế lên đến 523,77 tỷ đồng, đồng thời nợ ngắn hạn cũng lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 528 tỷ đồng.

Trong khi đó, mức lỗ lũy kế ở mức “khủng” thuộc về Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) khi năm 2018 tiếp tục lỗ gần 255,2 tỷ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế của công ty này lên 1.780,7 tỷ đồng trong khi nguồn vốn của công ty chỉ có hơn 1.000 tỷ đồng. Tương tự, Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SSG) năm vừa qua đạt lợi nhuận sau thuế 35,7 tỷ đồng.

Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOS) năm 2018 có lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức lỗ lũy kế của công ty vẫn còn hơn 792,3 tỷ đồng, cao hơn vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2018 là 654,4 tỷ đồng.

Tin mới lên