Bất động sản

Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra khiếu kiện khi đóng cửa KCN Biên Hòa 1

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo đưa khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 (diện tích 335ha), thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra khiếu kiện khi đóng cửa KCN Biên Hòa 1

Thủ tướng đồng ý 'khai tử' khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai cam kết việc đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư đang đầu tư trong khu công nghiệp và người dân trong khu vực; tuân thủ trình tự, thủ tục của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp trong quá trình xử lý tài sản đã đầu tư vào khu công nghiệp của Tổng công ty Sonadezi.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đề nghị không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, đặc biệt là khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan của Chính phủ.

Ngoài ra, Thủ tướng chỉ đạo bổ sung khu công nghiệp Phước An với diện tích 330ha tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; bổ sung khu công nghiệp Phước Bình 2 với diện tích 299ha tại xã Phước Bình và xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại công văn số 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Như VietnamFinance đã thông tin, khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tên gọi trước đây là khu kỹ nghệ Biên Hòa) được xem là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Theo dữ liệu, vào tháng 6 năm 1961, Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn thành lập Uỷ ban nghiên cứu thuộc Trung tâm khuếch trương kỹ nghệ (Sonadezi) chủ trương xây dựng một khu công nghiệp ở Biên Hoà.

Và rồi khu kỹ nghệ Biên Hoà được thành lập theo sắc lệnh số 49/KT ngày 21/5/1963. Địa điểm được chọn là khu đất 376/520ha tại xã Tam Hiệp, xã Long Bình của Biên Hoà. Thời điểm đó, tại vị trí này đã có nhà máy giấy Cogido (thành lập năm 1959).

Hiện nay, khu công nghiệp Biên Hoà 1 toạ lạc trên địa bàn phường An Bình, TP. Biên Hòa, giáp sông Đồng Nai.

Mỗi ngày, các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000m3 nước thải, trong đó, có khoảng 1.000m3 được đấu nối qua khu công nghiệp Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.

Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2008 vào ngày 25/6, ông Nguyễn Mạnh Văn, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, cho biết UBND tỉnh đã chấp thuận phương án chuyển đổi công năng thành khu thương mại dịch vụ.

Theo ông Văn, hệ thống xử lý chất thải của khu công nghiệp Biên Hoà 1 chủ yếu đổ ra sông Đồng Nai và đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một điều hết sức nguy hiểm cho nguồn nước cung cấp cho Đồng Nai và TP. HCM.

Song, việc chuyển đổi công năng là điều không đơn giản khi có hàng trăm doanh nghiệp đóng tại khu công nghiệp này.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện có 152 doanh nghiệp đang hoạt động.

Tại buổi làm việc vào tháng 7/2008, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nhấn mạnh, việc tồn tại của khu công nghiệp Biên Hoà 1 là không còn phù hợp so với yêu cầu hiện tại do không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Vì thế, Công ty Sonadezi - chủ đầu tư và quản lý khu công nghiệp Biên Hoà 1, đã có tờ trình kiến nghị với tỉnh và trung ương cho phép chuyển đổi công năng của khu công nghiệp này.

Trong trường hợp khu công nghiệp Biên Hoà 1 được phép chuyển đổi công năng thì tỉnh Đồng Nai sẽ không để bất kỳ nhà đầu tư nào đang có nhà máy hoạt động tại đây bị thiệt thòi và đảm bảo về quyền lợi cho nhà đầu tư khi phải di dời.

Dựa trên đề xuất của tỉnh Đồng Nai, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi thành phố Biên Hòa.

Sau đó, Chính phủ tiếp tục đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sonadezi khảo sát, xây dựng phương án di dời. Theo tính toán của Sonadezi từ năm 2015, lộ trình thực hiện được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (2015 - 2017) thực hiện chuyển đổi 56ha; giai đoạn 2 (2018 - 2021) chuyển đổi 155ha và giai đoạn 3 (2022 - 2025) chuyển đổi 113ha còn lại. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 15.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua, quá trình triển khai gặp nhiều trở ngại và chậm trễ. Hiện hồ sơ chuyển đổi lại phải làm lại từ đầu do chính sách pháp luật đã thay đổi và không còn phù hợp.

Đến năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai bất ngờ cho biết tỉnh đang đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định đưa khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp của cả nước. Dự kiến, tỉnh sẽ đóng cửa khu công nghiệp này vào năm 2022.

Hiện tại, khu công nghiệp Biên Hòa 1 có 152 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Số lao động đang làm việc tại đây là hơn 21.000 người. Ngoài ra, trong phạm vi thực hiện đề án, còn khoảng 300 hộ dân đang sinh sống.

Để thực hiện đề án chuyển đổi công năng này, Đồng Nai sẽ thực hiện di dời tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hộ dân đang sinh sống trong khu vực này. 

>>> Xem thêm: BĐS tuần qua: Tham vọng 'cuộc chơi' địa ốc của Tân Á Đại Thành, TNG Holdings liến tiếp trúng loạt dự án

Tin mới lên