M&A

Thu về 9,7 nghìn tỷ đồng từ đấu giá thoái vốn trên HNX trong tháng 11

(VNF) - Tháng 11/2018, tại HNX diễn ra 5 phiên đấu giá thoái vốn tại các công ty Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), CTCP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng, CTCP Vận tải thủy – Vinacomin, CTCP Giấy Việt Trì.

Thu về 9,7 nghìn tỷ đồng từ đấu giá thoái vốn trên HNX trong tháng 11

Thu về 9,7 nghìn tỷ đồng từ đấu giá thoái vốn trên HNX trong tháng 11

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 5 phiên đấu giá này có tổng khối lượng chào bán hơn 376 triệu cổ phần, khối lượng đặt mua đạt hơn 997 triệu cổ phần, gấp 2,65 lần số cổ phần chào bán. Tổng số cổ phần trúng giá đạt hơn 376 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ thành công đạt 100%.

Tổng số tiền thu được đạt hơn 9,7 nghìn tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 1,9 nghìn tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt 5,9 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, 2 phiên đấu giá thoái vốn cổ phần tại Vinaconex đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường với 100% số cổ phần chào bán (348,9 triệu cổ phần) được bán hết, thu về hơn 9,3 nghìn tỷ đồng cho nhà nước.

Theo thống kê, kể từ đầu năm 2018, HNX đã tổ chức 36 phiên đấu giá, trong đó có 25 phiên đấu giá thoái vốn, 10 phiên IPO và 1 phiên đấu giá quyền mua. Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá đạt 1,98 tỷ cổ phần, khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 1 tỷ cổ phần, tương đương với tỷ lệ thành công đạt 54%. Tổng giá trị cổ phần bán được sau 36 phiên đấu giá đạt hơn 20,8 nghìn tỷ đồng.

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 có 127 doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện cổ phần hoá. Trong đó: Bộ Công Thương 8 doanh nghiệp (2 Tập đoàn và 5 Tổng công ty); Bộ Xây dựng 4 Tổng công ty; Bộ NN&PTNT 8 doanh nghiệp; Bộ Thông tin và Truyền thông 1 Tập đoàn và 2 Tổng công ty; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).

TP. Hà Nội có 15 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong giai đoạn 2017-2018. TP. Hồ Chí Minh có 39 doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hoá trong năm 2018.

Theo kế hoạch này, trong năm 2017 phải thực hiện cổ phần hoá 44 doanh nghiệp; năm 2018 cổ phần hoá 64 doanh nghiệp; năm 2019 là 18 doanh nghiệp, đến năm 2020 chỉ thực hiện cổ phần hoá 1 DNNN.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo về Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gần đây, đại diện Bộ Tài Chính cho biết đã gần hết năm 2018 nhưng chỉ có 26 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hoá – chưa bằng số lẻ so với kế hoạch đề ra.

Về tiến độ triển khai cổ phần hoá, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: “Năm 2016 có 66 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng. Năm 2017, có 69 doanh nghiệp cổ phần hoá thành công với tổng giá trị 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2018, đã cổ phần hoá 11 doanh nghiệp với tổng giá trị là 29.634 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng”.

Bên cạnh trách nhiệm của người đứng đầu, ông Tiến chỉ ra 2 nguyên nhân khiến cổ phần hoá chậm trễ. Thứ nhất là các vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hoá; đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định.

Vướng mắc thứ 2 là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần.

Ông Tiến thông tin thêm, TP. Hà Nội và TP. HCM là 2 địa phương trì trệ nhất trong thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.

Tin mới lên