M&A

Thua lỗ kéo dài trước đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng, Sông Hồng sẽ 'chảy' thế nào?

(VNF) - Dự kiến, ngày 25/12 tới Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá hơn 13 triệu cổ phần đang sở hữu tại Tổng công ty Sông Hồng (UPCoM: SHG), tương đương 49,04% vốn với giá khởi điểm bằng mệnh giá.

Thua lỗ kéo dài trước đợt thoái vốn của Bộ Xây dựng, Sông Hồng sẽ 'chảy' thế nào?

Tình hình kinh doanh của Sông Hồng kể từ khi cổ phần hóa đến nay rất tiêu cực, liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Bộ Xây dựng sắp thoái vốn Tổng công ty Sông Hồng

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Tổng công ty Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, được thành lập vào năm 1958 với nhiệm vụ ban đầu là xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp nằm trong Khu công nghiệp Việt Trì, khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Đầu tháng 9/1991, công ty được Bộ Xây dựng đổi tên thành Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng.

Đến cuối tháng 8/2016, Bộ Xây quyết định chuyển mô hình tổ chức hoạt động của công ty theo mô hình công ty mẹ, công ty con và đổi tên thành Tổng công ty Sông Hồng.

Năm 2007, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty Sông Hồng chuyển trụ sở từ TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ về địa chỉ số 70 An Dương, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, Sông Hồng đã tổ chức đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 9/11/2009.

Ngày 10/5/2010, Tổng công ty tổ chức đại hội đồng cổ đông đầu tiên, bầu ra hội đồng quản trị và thông qua điều lệ tổ chức, hoạt động của công ty. Qua đó, Tổng công ty chính thức đi vào hoạt động theo quyết định của Bộ Xây dựng về việc chuyển công ty mẹ - Tổng công ty Sông Hồng thành Tổng công ty Cổ phần.

Tính đến ngày 30/6/2020, vốn điều lệ của Tổng công ty là 270 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước do Bộ Xây dựng đại diện sở hữu chiếm 49,04%, ngoài ra là các cổ đông lớn khác như ông Phan Việt Anh (sở hữu 14,9%), bà Phạm Thị Phương Thúy (sở hữu 11,06%) và ông Lã Tuấn Hưng (sở hữu 9,25%).

Tổng công ty Sông Hồng là doanh nghiệp có tên trong danh mục phải thoái vốn nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính Phủ.

Nếu quá hạn mà thoái vốn không thành công, Tổng công ty sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Thua lỗ kéo dài sau khi cổ phần hóa

Tình hình kinh doanh của Sông Hồng kể từ khi cổ phần hóa đến nay rất tiêu cực, liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ thế, Tổng công ty còn vướng vào hàng loạt các rắc rối pháp lý, trong đó có vụ việc OceanBank khởi kiện, buộc Sông Hồng phải trả nợ vay thi công công trình nhiệt điện Vũng Áng 1 với số tiền cả gốc và lãi lên tới 470 tỷ đồng.

Theo đó, năm 2016, Tổng công ty ghi nhận doanh thu lên đến 693 tỷ đồng, tuy nhiên do bán hàng dưới giá vốn nên tổng công ty lỗ gộp hơn 17 tỷ đồng. Thêm vào đó, các chi phí vận hành cao chót vót (chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 118 tỷ đồng), khiến Tổng công ty gánh lỗ trước thuế hơn 187 tỷ đồng.

Vòng xoáy suy thoái tiếp tục cuốn Sông Hồng vào năm 2017, khi doanh thu giảm đến 73% xuống còn 188 tỷ đồng. Ban lãnh đạo tổng công ty cho biết, doanh thu từ lĩnh vực xây lắp giảm mạnh do không có thêm công trình mới, chủ yếu thi công các công trình còn lại chuyển tiếp từ các năm trước.

Bên cạnh đó Tổng công ty còn gặp khó khăn về tài chính, vốn nợ đọng tại các công trình lớn, nợ ngân hàng bị chuyển nhóm 5 dẫn đến việc không vay được vốn thực hiện thi công, không đủ điều kiện đấu thầu...

Dẫu vậy, nhờ giá vốn sản phẩm được cải thiện, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm, Tổng công ty chỉ lỗ trước thuế 55,6 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với năm trước.

Thế nhưng "niềm vui" ngắn chẳng tày gang, Sông Hồng kết thúc năm 2018 với con số lỗ lên đến 387 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với 2017. Kết quả này đến từ việc chi phí tài chính của tổng công ty tăng đột biến lên 140 tỷ đồng, kết hợp với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 10 lần lên 316 tỷ đồng. Thêm một yếu tố khác là doanh thu vốn đã đì đẹt lại tiếp tục sụt giảm.

Đáng chú ý, dòng tiền thuần về hoạt động kinh doanh lúc này âm gần 56 tỷ đồng, được ví như yếu tố sống còn của doanh nghiệp, dòng tiền âm phản ánh sự khó khăn trong việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổng công ty lúc bấy giờ.

Sông Hồng đã phải bù đắp sự thiếu hụt này thông qua hoạt động vay nợ. Theo đó năm 2018, nợ phải trả của tổng công ty tăng 24% lên 2.056 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu tiếp tục lao dốc xuống mức âm 585 tỷ đồng (năm 2017 là âm 170 tỷ đồng), do tổng công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến 891 tỷ đồng.

Bước sang năm 2019, trong bối cảnh không thể có thêm công trình mới do thiếu vốn, doanh thu của Sông Hồng giảm còn vỏn vẹn 63 tỷ đồng. Giá vốn sản phẩm chiếm 58 tỷ đồng, thêm khoản chi phí lãi vay 55 tỷ đồng, khiến tổng công ty lỗ trước thuế gần 73 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tiếp tục bị vắt kiệt, tăng âm lên 666 tỷ đồng. Quy mô tài sản giảm còn 1.385 tỷ đồng.

Lúc này, Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước. Đồng thời, ban lãnh đạo tổng công ty đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019.

Mới đây, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 cho thấy, nửa đầu năm tổng công ty mới ghi nhận 24,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ 2019.

Các chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao, xấp xỉ năm trước khiến Sông Hồng tiếp tục lỗ trước thuế 29,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính tại ngày 30/6/2020 đã âm gần 700 tỷ đồng, do khoản lỗ lũy kế trên 1.000 tỷ đồng.

Trên thị trường, cổ phiếu SHG đứng ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu, tiếp tục bị hạn chế giao dịch do Tổng công ty chậm công bố thông tin và không có biện pháp khắc phục.

 
Tin mới lên