M&A

Thua lỗ, lục đục nội bộ tại Petroland khiến PVOIL muốn thoái hết vốn?

(VNF) - Tổng công ty Cổ phần Dầu Việt Nam (PVOIL, UPCoM: OIL) vừa thông báo sẽ thoái toàn bộ phần vốn đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (Petroland, HoSE: PTL). Khối lượng chuyển nhượng là 9 triệu cổ phần, tương đương 9% vốn điều lệ Petroland.

Thua lỗ, lục đục nội bộ tại Petroland khiến PVOIL muốn thoái hết vốn?

Thua lỗ, lục đục nội bộ tại Petroland khiến PVOIL muốn thoái hết vốn?

Không chỉ Petroland, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (UPCoM: PTT) và Công ty Cổ phần Khách sạn Lam Kinh cũng nằm trong chủ trương thoái vốn sắp tới của PVOIL.

Ngay khi tiếp nhận thông tin thoái vốn của PVOIL, cổ phiếu PTL đã tăng trần 3 phiên liên tiếp, từ ngày 18/8 và đến nay, PTL tiếp tục tăng trần trong phiên sáng 21/8 với thanh khoản tăng đột biến.

Hiện cổ phiếu PTL đang được giao dịch trong vùng 6.360 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% so với mức giá đầu tháng 8. Tạm tính theo thị giá này, thương vụ của PVOIL có thể thu về hơn 57 tỷ đồng.

Petroland có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Trong cơ cấu cổ đông Petroland, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (UPCoM: PVX) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 36% cổ phần, bên cạnh các cổ đông lớn tiếp theo là bà Trần Thị Ngọc Cư, ông Đoàn Văn Đức, BIDV và PVOIL, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là gần 20%, 18% và 5,8%.

Tình hình quản trị của Petroland những năm gần đây tương đối phức tạp, khi liên tục xảy ra xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn. Đáng chú ý, hồi tháng 10/2019, cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Bùi Minh Chính, cựu Chủ tịch Petroland, do liên quan tới vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại công ty này.

Sau những thay đổi về mặt cổ đông và nhân sự, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Petroland lại tiếp tục không có sự đồng thuận khi hầu hết các nội dung chính như kế hoạch năm 2020, phương án bổ sung ngành nghề, báo cáo về việc đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT... đều không được thông qua.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Petroland cũng rất chơi vơi khi liên tục thua lỗ những năm gần đây, đặc biệt là hai năm 2017 và 2018. Đến năm 2019, Petroland ghi nhận khoản lãi ròng 217 triệu đồng, khá khiêm tốn so với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Petroland tiếp tục gặp khó, khi tồn tại nhiều vướng mắc trong việc triển khai các dự án mới. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng tác động mạnh tới tới nhiều hoạt động kinh doanh của công ty.

Chốt kỳ, Petroland báo lỗ hơn 104 triệu đồng.

Tin mới lên