Ngân hàng

Thừa thanh khoản: Mỗi ngân hàng mỗi khác

(VNF) – Thừa thanh khoản trong toàn hệ thống ngân hàng dù diễn ra trong vài tháng gần đây, nhưng không phải ngân hàng nào cũng thừa thanh khoản. Nhiều ngân hàng dù thừa thanh khoản nhưng lại ở những thời điểm khác nhau, với cường độ khác nhau.

Thừa thanh khoản: Mỗi ngân hàng mỗi khác

Dù thừa thanh khoản, nhưng thời điểm dư thừa và cường độ dư thừa ở mỗi ngân hàng mỗi khác

Chuyện các ngân hàng thừa thanh khoản trong vài tháng trở lại đây đã không còn là chuyện mới. Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chênh lệch giữa tăng trưởng M2 và tín dụng từ đầu năm đến ngày 20/09/2016 ước tính lên đến 221 nghìn tỷ đồng. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy các ngân hàng dư thừa thanh khoản như thế nào.

Thừa tiền, các ngân hàng đẩy mạnh mua vào trái phiếu và tín phiếu. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng mua vào trái phiếu, tín phiếu ở thời điểm giống nhau và cường độ mua vào ở mỗi thời điểm cũng khác xa nhau.

Theo thống kê tại 11 ngân hàng tiêu biểu gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, MBBank, Techcombank, VPBank, ACB, SHB, Eximbank, LienVietPostBank và NCB thì trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ có 5 ngân hàng mua ròng chứng khoán đầu tư (chủ yếu bao gồm trái phiếu và tín phiếu) với số lượng đáng kể, trên 4.000 tỷ đồng.

5 ngân hàng này bao gồm: BIDV với 15.883 tỷ đồng, MBBank với 5.586 tỷ đồng, VPBank với 7.993 tỷ đồng, LienVietPostBank với 4.225 tỷ đồng và NCB với 5.620 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý nhất là 2 "ông lớn" ngân hàng gồm Vietcombank và VietinBank không mua ròng mà bán ròng chứng khoán đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2016, đặc biệt là VietinBank. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Vietcombank bán ròng 737 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, trong khi VietinBank bán ròng tới 6.803 tỷ đồng.

Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy, thời điểm thừa thanh khoản ở các ngân hàng là không giống nhau. Ở một vài ngân hàng, thậm chí còn không xảy ra tình trạng thừa thanh khoản. Điều này sẽ rõ hơn khi nhìn vào khối lượng mua ròng chứng khoán đầu tư của các ngân hàng trong quý III/2016.

Thừa thanh khoản tại các ngân hàng

Thừa thanh khoản, các ngân hàng rót tiền vào kênh trái phiếu, tín phiếu, nhưng ở những thời điểm khác nhau và với cường độ khác nhau

Trái ngược với 6 tháng đầu năm 2016, quý III là thời điểm mà 2 "ông lớn" ngân hàng Vietcombank và VietinBank mua ròng trái phiếu và tín phiếu nhiều nhất, ngoài ra còn có Sacombank. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng còn lại hạn chế mua ròng trái phiếu, tín phiếu, thậm chí một số ngân hàng từng mua ròng mạnh trong 6 tháng đầu năm đã lại bán ròng đáng kể trong quý III.

Cụ thể, quý III/2016, Vietcombank mua ròng tới 28.415 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, trong đó có khoảng 20.000 tỷ đồng là tín phiếu. Cùng với đó, VietinBank cũng mua ròng tới 21.067 tỷ đồng chứng khoán đầu tư. Sacombank cũng không chịu kém cạnh khi mua ròng 12.946 tỷ đồng chứng khoán đầu tư trong quý III/2016.

Một số ngân hàng khác vẫn duy trì mua ròng chứng khoán đầu tư nhưng không đáng kể, chẳng hạn như BIDV mua ròng 2.293 tỷ đồng, LienVietPostBank mua ròng 423 tỷ đồng hay NCB mua ròng 1.497 tỷ đồng.

VPBank và MBBank là ngân hàng mua ròng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm, lại bất ngờ bán ròng lần lượt 5.055 tỷ đồng và 2.335 tỷ đồng chứng khoán đầu tư trong quý III/2016.

Các ngân hàng như Techcombank, ACB, SHB hay Eximbank đều mua, bán ròng không đáng kể trong cả 6 tháng đầu năm và quý III/2016, cho thấy các ngân hàng này không thừa thanh khoản. Tuy nhiên, nguyên nhân các ngân hàng này không thừa thanh khoản cũng không giống nhau. Chẳng hạn Techcombank không bị bí kênh tín dụng do vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nóng, trong khi Eximbank đang vật lộn với nợ xấu nên càng không "thừa tiền".

Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm 2016, chỉ có 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Sacombank là thừa thanh khoản. Trường hợp của NCB, dù lượng mua ròng chứng khoán đầu tư khá lớn, nhất là khi so với quy mô ngân hàng này, nhưng phần lớn lại do vấn đề nội tại của ngân hàng hơn là thừa thanh khoản.

Theo dự báo của BVSC, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ bớt dư thừa hơn trong quý IV/2016 do yếu tố mùa vụ cuối năm khi nhau cầu thanh toán và vay vốn của các doanh nghiệp gia tăng. Tuy vậy, BVSC cho rằng, lãi suất liên ngân hàng mặc dù có thể tăng trở lại nhưng mức độ tăng sẽ không nhiều (lên mức khoảng 3-4%/năm) do thanh khoản hệ thống chỉ bớt dồi dào chứ khó có hiện tượng quá căng thẳng.

Hai tuần gần đây, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng nhẹ trở lại, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức thấp. Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ở mức 0,77%, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần lần lượt ở mức 0,78% và 1,12%.

Tin mới lên