Ngân hàng

‘Thúc’ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ LDR của các TCTD tăng cao

(VNF) – Tỷ lệ LDR của các TCTD đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đặc biệt tăng mạnh trong tháng 1/2017, nguyên nhân quan trọng là do các TCTD "thúc" tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm theo chỉ đạo của Thủ tướng.

‘Thúc’ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ LDR của các TCTD tăng cao

Tỷ lệ LDR của các TCTD đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, đặc biệt tăng mạnh trong tháng 1/2017

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng tín dụng tháng 1/2017 của hệ thống các TCTD ở mức 1,6%, trong khi huy động lại giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến tỷ lệ tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (tỷ lệ LDR) bình quân của hệ thống các TCTD tăng từ mức 86,8% cuối năm 2016 lên mức 88,2% thời điểm kết thúc tháng 1/2017.

Trước đó, tỷ lệ LDR toàn hệ thống cũng đã tăng liên tiếp từ mức 86,09% của tháng 9/2016 lên 86,35% vào tháng 10/2016 và lên 86,72% vào tháng 11/2016. Như vậy, tính đến hết tháng 1/2017, tỷ lệ LDR đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp, trong đó, tháng 1/2017 có mức tăng cao nhất với 1,4 điểm%.

Tỷ lệ LDR càng cao thì khả năng sinh lời của ngân hàng càng lớn, nhưng đánh đổi là rủi ro thanh khoản cũng cao hơn. Hiện tỷ lệ LDR ở nhóm các NHTM Nhà nước đã vượt trần 90%, trong khi ở nhóm các NHTM cổ phần cũng đã tiệm cận trần 80%.

Việc tỷ lệ LDR tăng liên tiếp trong 4 tháng qua, đặc biệt là trong tháng 1/2017, có nguyên nhân quan trọng đến từ việc Chính phủ và các ngân hàng thương mại (NHTM) "thúc" tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 khoảng từ 18 – 20%. Và thực tế đã đạt được, ở mức 18,71%.

Riêng trong tháng 1/2017, tỷ lệ LDR tăng mạnh là do Thủ tướng đã có chỉ đạo ngành ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng ngay từ quý I/2017, "đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả chạy dồn", điều này kéo tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn trung bình hàng năm.

Thêm nữa, theo quy luật, quý I nói chung và tháng 1 nói riêng, tăng trưởng huy động vốn rất chậm, thậm chí là giảm do nhu cầu rút tiền cuối năm Âm lịch. Thực tế tháng 1/2017, tăng trưởng huy động đã ở mức âm (-) 1,6%. "Tử số" tăng, "mẫu số" giảm, khiến tỷ lệ LDR tăng mạnh trong tháng 1/2017.

Tín hiệu tăng rất rõ rệt của tỷ lệ LDR trong tháng 1/2017 cũng lý giải phần nào động thái tăng lãi suất huy động tại một số TCTD ngay từ đầu năm, có thể kể đến như VPBank, DongA Bank, TPBank, Techcombank, OCB, Eximbank, nhằm thu hút thêm vốn huy động, nhờ đó làm chậm lại đà tăng của tỷ lệ LDR.

Tỷ lệ LDR tăng

Việc tỷ lệ LDR tăng liên tiếp, đặc biệt trong tháng 1/2017, phần nhiều là do động thái "thúc" tăng trưởng tín dụng của các NHTM

Một thông tin cũng khá đáng chú ý trong báo cáo của UBGSTCQG, trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012-2015 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng), chủ yếu các TCTD tự xử lý chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho VAMC.

UBGSTCQG nhận định, số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý còn ở mức khiêm tốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm được nhiều trong năm 2016 mặc dù các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá ổn định hỗ trợ tích cực.

Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng. Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Vẫn theo đánh giá của UBGSTCQG, việc xử lý nợ xấu tại VAMC đang có chiều hướng tích cực với những bước đi cụ thể, rõ ràng hơn. Đó là việc đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu của NHNN trong đó có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các NHTM trong quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, các TCTD cũng đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ xấu, điển hình như Vietcombank đã nhận về hết nợ xấu đã bán cho VAMC và VietinBank đặt mục tiêu tương tự trong năm 2017.

Tin mới lên