Thị trường

'Thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay nên giảm 50% so với mức hiện hành'

(VNF) - Góp ý dự thảo Nghị quyết Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (DNHK) vừa có văn bản đề nghị giảm sâu mức thuế này xuống còn 50% so với mức thuế hiện hành.

'Thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay nên giảm 50% so với mức hiện hành'

Trước đó, ngày 8/6/2020, Bộ Tài chính đã gửi công văn lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Dự kiến giảm 30% thuế bảo vệ môi trường

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về việc các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không bị tác động rất lớn của đại dịch, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay (sau đây gọi chung là dự án Nghị quyết) theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình UBTVQH xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 đến hết ngày 31/12/2020; Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Kể từ ngày 01/01/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Để Nghị quyết sớm được trình vào UBTVQH, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu có ý kiến tham gia gửi về Bộ Tài chính trước ngày 10/6/2020.

Theo cơ quan soạn thảo, việc đề xuất giảm thuế này phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với nguyên tắc điều chính mức thuế BVMT tại Luật thuế BVMT.

Ngoài ra, thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT.

Việc điều chỉnh giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn, có thể góp phần để doanh nghiệp giảm giá các dịch vụ hàng không, từ đó góp phần khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ đi lại bằng đường hàng không; góp phần tăng số lượng khách, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh cho ngành hàng không; góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ.

Đánh giá về tác động thu Ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện phương án giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay, mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít (đảm bảo nằm trong khung thuế BVMT của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế BVMT). Theo tính toán, số giảm thu NSNN ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng.

Mong muốn giảm xuống 50%

Tuy nhiên, theo kiến nghị của Hiệp hội DNHK Việt Nam, mức giảm ít nhất nên ở mức 1.500 đồng/lít, tương đương 50% mức thuế hiện hành (theo đề xuất trước là thì DN giảm 900 đồng/lít và phải đóng 2.100 đồng/lít).

Nói về vấn đề này, ông Bùi Doãn Nề so sánh: "Mức giảm 1.500 đồng/lít thực ra còn thấp so với một số nước trong khu vực như Trung Quốc và Úc miễn toàn bộ thuế tiêu thụ nhiên liệu. Hay như Ấn Độ tạm dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không. Tại Thái Lan giảm tới 96% thuế môi trường đối với nhiên liêu bay từ 6/2 đến ngày 30/9/2020".

"Hơn nữa, hiện Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu ngành du lịch, ngành hàng không cần tích cực tham gia và hỗ trợ chủ trương này bằng cách giảm giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc giảm thuế như trên sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không thực hiện nhiệm vụ này dễ dàng hơn", ông Nề nói.

Về mốc thời gian thực hiện, ông Bùi Doãn Nề kiến nghị Quốc hội sớm quyết định để có thể áp dụng ngay từ ngày 1/7/2020 và thời gian áp dụng một năm kể từ ngày ký

"Lý do là trong thời gian qua các doanh nghiệp hàng không thua lỗ, các khoản nợ đang khá lớn, việc áp dụng mức thuế sớm hơn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm trừ nợ, từ đó cải thiện sự cân đối dòng tiền và tính thanh khoản của doanh nghiệp", ông Bùi Doãn Nề đề xuất.

Tin mới lên