Thị trường

Thuế tài nguyên cao có phải là một sai lầm chính sách?

(VNF) – "Sẽ là một sai lầm nếu Việt Nam sử dụng mức thuế tài nguyên để bảo vệ nguồn khoáng sản giàu có cho thế hệ tương lai hoặc nhằm mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho Chính phủ", báo cáo của Tiểu nhóm Công tác Khoáng sản thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá.

Thuế tài nguyên cao có phải là một sai lầm chính sách?

VBF cho rằng sử dụng thuế tài nguyên cao để tăng thu cho chính phủ là một sai lầm

Theo báo cáo của nhóm công tác, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung khai thác lớp khoáng sản trên bề mặt như than đá và một số tài nguyên có trữ lượng lớn như bô xít, quặng sắt. Có khoảng 10% số tài nguyên kim loại cơ bản và kim loại quý chưa từng được áp dụng phương pháp thăm dò có tính hệ thống với công nghệ hiện đại nhằm phát hiện các mỏ với trữ lượng lớn nằm sâu trong lòng đất.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ khai thác hiện đại lại không sẵn sàng vào Việt Nam. Nguyên nhân là do sự thiếu nhất quán trong quy định của Luật khoáng sản và đặc biệt là mức thuế tài nguyên quá cao so với mặt bằng quốc tế.

Đơn cử, mức thuế tài nguyên đối với mặt hàng than lộ thiên từ năm 2010 đã là 7%, năm 2014 tăng lên 9% và từ tháng 7/2016 tăng tiếp lên 12%. Đây là mức thuế "cao nhất thế giới", theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo ước tính, mức thuế này đã khiến chi phí của TKV tăng khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm.

Thuế tài nguyên cao là một sai lầm của Việt Nam ảnh 1

Công nghiệp khai khoáng Việt Nam vẫn thiếu bàn tay của khối ngoại với các công nghệ hiện đại

VBF cho rằng việc sử dụng mức thuế tài nguyên cao để bảo vệ nguồn khoáng sản hoặc mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho chính phủ đang là một sai lầm của Việt Nam. Bởi gần như chắc chắn, nó chỉ ra rằng hoạt động khai khoáng công nghệ cao tại Việt Nam không thể đem lại lợi nhuận hoặc bị cô lập trên thị trường giá hiện tại, dẫn đến tình trạng đóng cửa các mỏ khai thác.

Điều này dẫn đến kết quả tiếp theo là chính phủ sẽ chịu thất thu một lượng thuế lớn và tất yếu là môi trường bị huỷ hoại do sử dụng công nghệ khai khoáng lạc hậu, lỗi thời.

Đáng ngại hơn, mức thuế cao sẽ khiến không một công ty khai khoáng quốc tế lớn nào sẵn sàng đầu tư tìm kiếm và phát triển các nguồn tài nguyên tại Việt Nam. Trong khi nhiều nguồn tài nguyên chỉ có thể được phát hiện bằng các công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường với các thực tiễn triển khai tốt nhất trên thế giới.

Dẫn ví dụ từ Peru - nơi mức thuế tài nguyên chỉ 1 – 3% trên giá trị thương mại, quốc gia này đã thu hút được 60 tỷ USD dự tính đầu tư thăm dò và khai thác đến năm 2020 - VBF cho rằng Việt Nam nên cân nhắc lại mức thuế môi trường nhằm thu hút các doanh nghiệp ngoại vào lĩnh vực khai khoáng.

Việc mời các doanh nghiệp ngoại vào lĩnh vực này sẽ giúp công nghiệp khai khoáng có công nghệ hiện đại theo chuẩn quốc tế, nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Đặc biệt, ngăn chặn các công ty khai khoáng trong nước và các đối tượng khai thác mỏ bất hợp pháp sử dụng công nghệ lạc hậu, lỗi thời làm huỷ hoại môi trường, gây ảnh hưởng đến toàn cảnh khai thác khoáng sản của đất nước.

Ngoài ra, việc phát triển các hoạt động khai thác có bàn tay khối ngoại sẽ giúp thúc đẩy việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt với các vùng sâu vùng xa.

Tin mới lên