Tài chính

Thương chiến, bom nợ và dịch bệnh cùng bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc

Dịch virus corona không chỉ giáng cú đòn choáng váng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà còn tăng "độc lực" của thương chiến khiến bom nợ Trung Quốc phình to.

Thương chiến, bom nợ và dịch bệnh cùng bóp nghẹt kinh tế Trung Quốc

Cảnh hoang lạnh tại Vũ Hán, tâm chấn của dịch virus corona. Ảnh: Getty Images.

Khi chính quyền Trung Quốc thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch virus Vũ Hán như cấm các tour du lịch trong và ngoài nước, phong tỏa tỉnh Hồ Bắc và kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào trạng thái tê liệt.

Giới quan sát nhận định virus corona đã giáng một cú đòn chí mạng vào nền kinh tế đang vật vã vì hậu quả của thương chiến Mỹ - Trung và quả bom nợ khổng lồ ngày càng phình to.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lao dốc xuống 6,1%, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm giữa Trung Quốc và Mỹ.

Thuế trừng phạt và các biện pháp hạn chế thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc và khiến hàng triệu lao động nước này mất việc.

Thất nghiệp sẽ tràn lan

Các chuyên gia quốc tế còn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 4-5% mà chính quyền Trung Quốc công bố không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe sa sút nghiêm trọng của nền kinh tế 1,4 tỷ dân.

“Năm 2020 sẽ là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với Trung Quốc và thất nghiệp hàng loạt là vấn đề đáng sợ nhất”, CNN dẫn lời nhà phân tích Frank Ching thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cảnh báo.

Ông Hao Yao - Giám đốc Công ty hậu cần Yingsheng Global Logistics ở Thâm Quyến (Trung Quốc) - tiết lộ lợi nhuận của công ty đã giảm hơn 30% trong năm 2019 do các doanh nghiệp khách hàng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng thương mại, quả bom nợ 40.000 tỷ USD của Trung Quốc đang ngày càng phình to. Các ngân hàng nông thôn Trung Quốc lao đao, nợ tiêu dùng của người dân tăng vọt, chính quyền siết chặt kiểm soát cho vay khiến các công ty tư nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, trong năm 2019 chính quyền Trung Quốc vì thế bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa ngăn chặn nguy cơ chi tiêu quá tay, đặc biệt là hạn chế các dự án phát triển hạ tầng "voi trắng" (tốn kém kinh phí nhưng khó sinh lời).

“Chính quyền Trung Quốc cố gắng thực hiện các biện pháp cần thiết tối thiểu để ngăn chặn nguy cơ cỗ xe lửa kinh tế trật đường ray”, Bloomberg dẫn lời của nhà kinh tế trưởng Andrew Tilton thuộc Goldman Sachs nhận định.

Người dân Vũ Hán mua sắm trong một siêu thị ở thời điểm thành phố mới bị phong tỏa. Ảnh: Getty Images.

Trước nguy cơ nền kinh tế trật bánh, việc đảm bảo sự ổn định là ưu tiên hàng đầu. Do đó, ngay cả khi căn bệnh lạ lây lan nhanh từ tháng 12/2019, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng vẫn dành thời gian để quảng bá các dự án trong tương lai của thành phố trước Hội đồng Nhân dân thành phố Vũ Hán hôm 7/1.

Ông Chu hứa hẹn xây dựng các trường y tế, mở cửa triển lãm y tế thế giới, phát triển khu công nghiệp tương lai cho các công ty y tế... Ông không nhắc nửa câu đến dịch bệnh mới bùng phát.

“Đó là mùa đại hội và không phải thời điểm thích hợp để có tin xấu”, tờ New York Times bình luận. Nhưng chính căn bệnh lạ này đã giáng đòn chí mạng, khiến các hoạt động kinh tế của cả Trung Quốc rơi vào trạng thái tê liệt.

Nền kinh tế tê liệt

Virus Vũ Hán là cú đòn gây choáng váng đối với Trung Quốc. Các hoạt động kinh tế trong nước bị ngưng trệ, khiến nền kinh tế càng lao đao sau năm 2019 đã hứng chịu nhiều tổn thương vì thương chiến Mỹ - Trung và quả bom nợ 40.000 tỷ USD.

Hàng loạt thành phố bị đóng cửa, du lịch rơi vào trạng thái tê liệt, các hoạt động giải trí và tụ họp bị hạn chế dẫn đến thiệt hại nặng nề đối với các ngành thương mại và dịch vụ.

Các công ty sản xuất sử dụng nhiều lao động cũng đối mặt với tình trạng đáng báo động khi chính quyền nhiều địa phương hạn chế tụ tập đông người để ngăn chặn virus corona người lây lan.

“Nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 2, tác động đến ngành sản xuất có thể được kiểm soát. Nhưng nếu đến tháng 3, virus vẫn chưa được kiềm chế, khách hàng có khả năng chuyển sang đặt hàng tại các nước khác”, South China Morning Post dẫn lời ông Liu Kaiming, Chủ tịch Viện Contemporary Observation, dự đoán.

Dịch bệnh bùng phát dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng đơn hàng, gây thiệt hại cho cả các ngành sản xuất công nghệ cao và những doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động.

Trong khi các doanh nghiệp lớn phải cắt giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí trượt đến bờ vực phá sản nếu tình hình không tiến triển thêm.

“Hàng tháng, chúng tôi vẫn phải trả 156 triệu NDT (22,3 triệu USD) cho nhân viên. Dòng tiền của chúng tôi chỉ có thể duy trì khoản chi này trong vòng 3 tháng. Nếu tình hình không tiến triển, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài sa thải nhân viên”, ông Jia, ông chủ chuỗi nhà hàng Xibei, thừa nhận.

“Tiền thuê nhà, tiền lương cho nhân viên, các khoản phí cố định không thay đổi. Chúng đều là những gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi”, South China Morning Post dẫn lời ông Wang, chủ nhà máy giày dép ở thành phố Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông), than vãn.

Tình hình ngày càng trầm trọng

Trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên Đán ngày 3/2, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm tới 8% vì giới đầu tư lo ngại về tác động kinh tế dài hạn của dịch virus Vũ Hán.

CNN cho hay nhiều chuyên gia kinh tế thế giới dự đoán dịch virus corona có thể thổi bay 62 tỷ USD của nền kinh tế Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2020 giờ đây trở thành giấc mơ xa vời đối với Trung Quốc. “Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm xuống dưới 2%”, nhà kinh tế Freya Beamish của Pantheon Macroeconomics nhận định.

Chuyên gia kinh tế Diana Choyleva thậm chí dự đoán nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ rơi vào suy thoái (GDP tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp).

Ngoài ra, dịch bệnh chết người từ Vũ Hán khiến những nguy cơ khác đang ám ảnh nền kinh tế Trung Quốc trở nên trầm trọng hơn. Với đợt bùng phát dịch virus corona, Trung Quốc khó đáp ứng cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa hoàn tất với Mỹ.

Theo đó, Trung Quốc sẽ phải mua thêm 76,7 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm nay và 123,3 tỷ USD trong năm tiếp theo.

Theo một nguồn tin của Bloomberg, các quan chức Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ đồng ý cho tạm hoãn thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận trên. Một điều khoản của thỏa thuận ghi rõ hai bên có thể trì hoãn cam kết “nếu có thảm họa thiên nhiên hoặc biến cố không lường trước được”.

Ở chiều ngược lại, Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Trả lời CNBC, ông Navarro - cố vấn thân cận của ông Trump - cho biết sẽ không có chuyện Washington xóa bỏ thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc kể cả khi dịch virus corona đe dọa tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Đó là ý tưởng vớ vẩn của Phố Wall và tôi cho rằng chẳng có ích lợi gì khi thảo luận vấn đề đó", ông Navarro nhấn mạnh.

Vào cuối tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố bơm khoảng 1.200 tỷ NDT - tương đương 174 tỷ USD - vào hệ thống tài chính nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định các biện pháp này là không đủ để đưa nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

"Ngay cả với kịch bản lạc quan nhất là dịch bệnh được kiểm soát nhanh chóng và các hoạt động kinh tế sớm quay trở lại bình thường, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn cần phải cắt tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Hubert de Barochez thuộc Capital Economics khẳng định.

Tin mới lên