Thị trường

Thương mại điện tử Việt Nam: Mục tiêu 13 tỷ USD và 'gót chân Asin' thanh toán tiền mặt

(VNF) - Sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô thị trường của lĩnh vực thương mại điện tử trong những năm qua chính là cơ hội lớn của các doanh nghiệp thương mại điện tử. Tuy nhiên, để phát triển nhanh và mạnh trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần vượt qua được rào cản và thách thức đang tồn tại.

Thương mại điện tử Việt Nam: Mục tiêu 13 tỷ USD và 'gót chân Asin' thanh toán tiền mặt

Năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của thị trường thương mại điện tử Việt Nam

Tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á

Theo báo cáo từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (sáng 26/3 tại Hà Nội), năm 2018 được coi là năm sôi động nhất của thị trường thương mại điện tử Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%.

Với điểm xuất phát chỉ khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, tuy nhiên nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD.

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong "Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020" (10 tỷ USD vào năm 2020).

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của thương mại điện tử do dân số trẻ, lượng người dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ trọng lớn.

"Với hơn 64 triệu người (tương đương 66% dân số) sử dụng internet, 58 triệu người sử dụng các mạng xã hội và với tốc độ tăng trưởng của quy mô thị trường, Việt Nam sẽ có tốc độ phát triển hàng đầu Đông Nam Á về thương mại điện tử", ông Tuấn nói.

Khảo sát của VECOM cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam khá cao. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ở một số lĩnh vực rất ngoạn mục như lĩnh vực bán lẻ trực tuyến.

Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 tổ chức ngày 26/3

Thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn

Một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử chính là thanh toán trực tuyến. Đây vẫn luôn là một bài toán gây đau đầu cho các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam.

Theo đại diện của VECOM, thanh toán trực tuyến ở Việt Nam còn chiếm tỷ lệ rất ít. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chỉ ra rằng chỉ có 25% người tham gia mua hàng thanh toán trực tuyến khi mua hàng online. Còn lại 75% vẫn sử dụng hình thức thanh toán COD (thanh toán tiền mặt khi nhận hàng).

Đánh giá về vấn đề này, đại diện nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt tuy mang lại cảm giác bảo đảm cho người mua nhưng lại tồn tại nhiều nguy cơ cho các doanh nghiệp.

Để thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và ổn định, Việt Nam cũng cần có hành lang pháp lý phù hợp. Về vấn đề này, Phó chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng hiện nay chúng ta đã có môi trường pháp lý để kinh doanh thương mại điện tử, tuy nhiên dường như những chính sách vẫn luôn đi sau sự phát triển về kinh tế.

Do đó, hành lang pháp lý cho thương mại điện tử cần được liên tục cập nhật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh toàn diện, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động của lĩnh vực thương mại điện tử khác nhau trong xã hội.

Một thách thức khác đối với thương mại điện tử chính là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Cụ thể, hiện có rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.

“Trong năm qua, riêng Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số đã xử phạt hơn 20 vụ vi phạm trong lĩnh vực này. Các hành vi vi phạm chủ yếu là minh bạch thông tin, hành vi giao dịch và các trách nhiệm liên quan”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Để khắc phục vấn đề này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hiện đang phố hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) xây dựng kế hoạch tổng thể chống nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng sẽ xem xét việc sửa đội nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý cho thương mại điện tử phát triển hơn, tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng k rõ nguồn gốc, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời xây dựng và trình chính phủ ban hành chương trình tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2025.

Xem thêm: TP. HCM dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử 2019

Tin mới lên