Tài chính quốc tế

'Thương mại và du lịch ASEAN thiệt đơn thiệt kép vì chiến sự Nga - Ukraine'

(VNF) - Theo các nhà phân tích, dù mức độ tiếp xúc kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Nga và Ukraine ở mức thấp, nhưng khu vực này vẫn sẽ chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột kéo dài gây tổn hại đến Liên minh châu Âu (EU) và sẽ gián tiếp đe dọa sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á hậu đại dịch, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và du lịch.

'Thương mại và du lịch ASEAN thiệt đơn thiệt kép vì chiến sự Nga - Ukraine'

Khu vực ASEAN cũng có thể được coi là "nạn nhân không mong muốn" của cuộc chiến Nga - Ukraine.

Ngân hàng Maybank của Malaysia trong tháng này đã cảnh báo về việc “thiệt hại gián tiếp đối với ASEAN" từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, “một cuộc suy thoái rộng lớn ở châu Âu sẽ có tác động đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng của ASEAN”.

Nguyên nhân của sự ảnh hưởng này bắt nguồn từ việc Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của khối ASEAN.

EU chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN, đặc biệt là hơn 11% đối với Việt Nam và Philippines. Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của ASEAN cũng có 11% nguồn vốn từ EU.

Đối với Singapore, nơi EU chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nội địa ngoài dầu mỏ, các nhà phân tích kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của nước này từ 3,8% xuống 2,8% "do tăng trưởng toàn cầu và EU thấp hơn, giá năng lượng cao hơn và gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất”.

Công ty dịch vụ tài chính Morgan Stanley Asia trong tháng này cũng hạ dự báo tăng trưởng của Singapore từ 4,8% xuống 3,7%, Thái Lan xuống 3,3% từ 4,3% và Philippines từ 7,5% xuống 7%, với những lý do tương tự.

Không chỉ có ngân hàng của Malaysia, DBS Group Holdings của Singapore gần đây cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro có thể xảy tới với ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu của khu vực này, nếu châu Âu đối mặt với suy thoái diện rộng do xung đột kéo dài.

Điều này không phải là không thể xảy ra, bởi công ty quản lý tài sản của Pháp Amundi đã cảnh báo rằng châu Âu có thể phải đối mặt với rủi ro lạm phát đình trệ cao dẫn tới suy thoái tạm thời trong năm nay, do tăng trưởng kinh tế chậm kết hợp với giá cả tăng cao và bất ổn chính trị.

“Chúng tôi dự đoán lạm phát của khu vực đồng EUR sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm, đặc biệt đối với năng lượng và thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến cả nhu cầu và sản xuất”, phía Amundi cho biết.

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch cũng cắt giảm dự báo GDP thế giới năm 2022 từ mức 4,3% xuống 3,5%, trong đó khu vực đồng EUR bị cắt giảm 1,5 điểm phần trăm xuống còn 3,0%.

Lưu ý rằng Nga đã cung cấp khoảng 1/4 năng lượng tiêu thụ chính của khu vực đồng EUR, nhà kinh tế trưởng Brian Coulton của Fitch đánh giá rằng "có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt và phải phân bổ lại nguồn năng lượng ở châu Âu nếu nguồn cung của Nga bị ngừng đột ngột”.

Điều này có nghĩa là giá năng lượng và nhiều loại chi phí khác tại châu Âu cũng tăng cao, kéo theo đó là áp lực cho những quốc gia giao thương với khu vực này, cụ thể là ASEAN. Theo các chuyên gia, áp lực đối với giá năng lượng và thực phẩm tăng lên cũng sẽ gây tác động xấu đến sự phục hồi kinh tế ASEAN.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho biết áp lực lạm phát có khả năng gia tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế nơi giá nhiên liệu và điện có tỷ trọng lớn hoặc nơi nhiên liệu nhập khẩu chiếm ưu thế, chẳng hạn như Lào, Philippines và Việt Nam.

Ngoài ra, việc châu Âu bị suy thoái cũng ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của ngành du lịch tại ASEAN. Bởi lẽ, trước đại dịch, người châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số du khách đến Thái Lan, ở mức 17%. Họ cũng chiếm 13% lượng khách đến từ Indonesia và 11% của Singapore. Nhưng nền kinh tế châu Âu đang xấu đi và áp lực lạm phát có thể làm giảm nhu cầu đi lại.

Bên cạnh những tác động gián tiếp thông qua châu Âu, nhóm nghiên cứu từ ngân hàng DBS cũng nêu bật một số rủi ro trực tiếp với ASEAN do cuộc xung đột Nga - Ukraine làm ảnh hưởng tới nguồn cung một số hàng hoá cụ thể.

Theo nhà phân tích Chua Han Teng, Radhika Rao và Irvin Seah, Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lúa mì và ngô lớn trên thế giới, vì vậy các quốc gia như Indonesia và Philippines sẽ dễ bị tổn thương bởi những cú sốc về nguồn cung lúa mì.

Đặc biệt, Philippines còn chịu áp lực do giá dầu cao hơn, dẫn tới tổn hại đến "các điều khoản thương mại của nước này bằng (khoảng) 1,4% GDP, gây áp lực lên thâm hụt thương mại kỷ lục của nước này và đồng peso”.

Ngoài ra, theo ngân hàng Maybank của Malaysia, trong thời điểm “trọng yếu” với ngành du lịch ASEAN, chiến sự cũng có thể là “rủi ro trực tiếp” với các quốc gia như Thái Lan, vì Nga "chiếm tỷ trọng cao thứ ba (5,4%) trong doanh thu du lịch Thái Lan sau Trung Quốc (28%) và Malaysia (5,6%)”.

Ngân hàng Malaysia nhận xét rằng "du khách Nga đã hủy các chuyến đi đến Thái Lan do đồng ruble lao dốc, chuyến bay bị hủy và khó khăn trong việc chuyển tiền”.

Xem thêm >> Nga tấn công Ukraine: ASEAN không tránh khỏi 'tai bay vạ gió'

Từ khoá: ASEAN, Nga, Ukraine, châu Âu, EU,
Tin mới lên