Ngân hàng

Thượng phương bảo kiếm chống lại 'khối u' nợ xấu: Hai năm nhìn lại

(VNF) - "Nghị quyết 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng', Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phần nhận xét về kết quả và đánh giá xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng 2 năm qua.

Thượng phương bảo kiếm chống lại 'khối u' nợ xấu: Hai năm nhìn lại

Tính trung bình trong 2 năm qua, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng nợ xấu. (Ảnh minh họa)

Mỗi tháng xử lý gần 10.000 tỷ nợ xấu

Hai năm kể từ ngày Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) đi vào thực tế (tháng 8/2017), “khối u” nợ xấu từng khiến hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đau đầu đã dần được chế ngự và có chuyển biến tích cực, rõ nét.

Báo cáo của cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước thể hiện, Nghị quyết 42 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD trước đây. Lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Tính trung bình trong 2 năm qua, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn 4.700 tỷ đồng (tức cao gần gấp đôi) so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Nhận định chung về tình hình xử lý nợ xấu tại các TCTD, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra, giám sát NHNN cho biết, đến nay, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần. Chất lượng tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%).

Đồng tình với kết quả và những đánh giá về công tác xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nghị quyết số 42, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và Quyết định 1058 là một mốc son trong giai đoạn này về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”.

“Chính phủ nhận thấy chủ thể cuối cùng trong xử lý nợ xấu vẫn phải là các TCTD mặc dù đã bán nợ xấu cho VAMC. Do đó, bước sang giai đoạn này, cần đề cao vai trò xử lý nợ xấu của chính các TCTD”, điểm yếu trong quá trình xử lý nợ xấu được Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Với tiến độ xử lý nợ xấu như hiện nay, Phó Thủ tướng tin tưởng nợ xấu sẽ giảm về dưới 3% vào cuối năm 2020, hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, đóng góp tích cực vào cơ cấu lại tổ chức tín dụng và các chính sách vĩ mộ khác, góp phần giúp giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nâng hạng tín nhiệm quốc gia, tín nhiệm nhiều tổ chức tín dụng, củng cố nền tảng của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh diễn biến thế giới khó lường.

Nỗi lòng người trong cuộc

Còn nhớ hơn 2 năm trước, toàn thị trường tài chính và ngành ngân hàng nóng rẫy với hàng loạt vấn đề về việc xử lý hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến nỗi, các khoản nợ xấu được gắn với những “mỹ từ” như “khối u” ngành ngân hàng hay “cục máu đông” của thị trường.

Sau hai năm, con số 263.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý mới chỉ đạt phân nửa tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Phân nửa còn lại - đó mới chính là “khối u” khó nhằn nhất cần loại bỏ vì những khoản nợ dễ thu hồi đã được các ngân hàng xử lý trước.

Trong nhiều hội thảo, toạ đàm về xử lý nợ xấu được tổ chức hai năm qua, các vướng mắc liên quan đến (1) thu giữ tài sản đảm bảo, (2) áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại tòa án, (3) xử lý các vấn đề liên quan đến sở hữu, nộp thuế, (4) thành lập thị trường mua bán nợ..., vẫn được các TCTD điểm mặt chỉ tên thường xuyên. Nó giống như những cái gai ngăn chặn TCTD xử lý triệt để nợ xấu.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được coi là một trong những “case” điển hình khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank kể: “Có nhiều tài sản đảm bảo Agribank đấu giá thành công, nhưng một số cơ quan Thuế và địa phương áp dụng theo cách khác nhau, dẫn đến tình trạng những tài sản thu hồi bị kéo dài thời gian, gây thiệt hại cho người mua do không thể chuyển đổi, sang tên để tiếp tục sử dụng tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Điển hình, dự án xi măng Thanh Liêm, được trả chậm 20 năm, nhưng khi đấu giá thành công, cơ quan Thuế yêu cầu phải nộp ngay 40 tỷ đồng dù ngân hàng đã có văn bản xin miễn, giảm, kéo giãn thuế”.

Một câu chuyện dở khóc dở cười khác cũng được lãnh đạo nhà băng này đưa ra trong câu chuyện thu giữ tài sản đảm bảo gây nhức nhối. Đó là vụ việc Agribank xử lý dự án tại Bình Dương được khách hàng thế chấp từ năm 2000. Sau 10 năm, khách không xử lý được đã đồng ý phối hợp với ngân hàng đấu giá để thu hồi nợ. Sau 13 lần nỗ lực, những tưởng cả hai bên được trút bớt gánh nặng sau khi đấu giá thành công thì bất ngờ khách hàng “lật kèo”, lấy lý do đấu giá không đúng quy định để kiện ngân hàng, khiến việc thi hành án bị đình lại.

Dù vụ việc này đã được Bộ Tư pháp thanh tra và kết luận đúng quy trình đấu giá, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, nhưng hiện tại Tòa án nhân dân vẫn thụ lý và không cho chuyển nhượng, gây thiệt hại cho Agribank vì giao dịch không thực hiện được.

Cũng tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho biết việc áp dụng thủ tục rút gọn tại toà vẫn chưa thực hiện được. Agribank có hơn 100.000 tỷ đồng nợ xấu từ 1 triệu khách hàng cần xử lý theo Nghị quyết 42, trong đó có gần 7.000 vụ tranh chấp phát sinh qua toà án dân sự. Nhưng theo đại diện lãnh đạo Agribank, 2 năm qua mới thực hiện hơn 10 vụ và quá trình thụ lý chưa có vụ nào được áp dụng thủ tục rút gọn tại toà, có 1 vụ hoà giải còn lại được toà hướng dẫn sang áp dụng thủ tục thông thường.

Lúc này, những quy định của Nghị quyết 42 bỗng nhiên trở thành kẻ “đơn thương độc mã” trên chiến trường chiến đấu với nợ xấu.

“Muốn xử lý nợ xấu, phải có ngân hàng đẹp”

Agribank chỉ là một ví dụ điển hình, tiêu biểu nhất cho những khó khăn mà TCTD gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Thậm chí, Vietcombank - cánh chim đầu đàn tự hào trong việc làm sạch nợ tại VAMC, thu hồi được 3.200 tỷ đồng nợ ngoại bảng trong năm 2018 cũng không tránh khỏi những tình huống tréo ngoe.

Được biết, những khó khăn trên của các tổ chức tín dụng và VAMC đã được tập hợp để báo cáo Thủ tướng, các bộ, ngành và tới đây là các đại biểu quốc hội.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc. Nhưng vấn đề mấu chốt nhất vẫn là thị trường mua bán nợ, các cơ quan quản lý cần xây dựng được thị trường hoàn chỉnh để các hoạt động mua bán nợ diễn ra công khai, minh bạch, sôi nổi. Những giải pháp này sẽ giúp “con đường” xử lý nợ xấu vừa thẳng, vừa thông suốt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: “Tới đây, ngành ngân hàng sẽ tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy như sửa đổi Luật NHNN, Luật các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản pháp quy có liên quan. Công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng sẽ liên tục được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa”.

Bên cạnh đó, chính các nhân viên ngân hàng, TCTD là nhân tố quyết định trong việc tạo đột phá cho việc xử lý nợ xấu thời gian tới, để nợ xấu mới không chồng lên nợ xấu cũ.

“Các TCTD cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được cùng với những tồn tại, hạn chế, kể cả những vi phạm đã xảy ra trong hoạt động của mình, đồng thời ngành ngân hàng cũng sẽ quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn trong thời gian tới để tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án Cơ cấu lại cũng như gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đóng góp vào kết quả chung của cả nền kinh tế”, người đứng đầu NHNN nhấn mạnh.

Tin mới lên