Tiêu điểm

Thường vụ Quốc hội nói gì về đề xuất Thủ tướng có quyền chặn chuyển nhượng dự án cho DN ngoại?

(VNF) – Góp ý cho Điều 5 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), có đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung quy định: “Thủ tướng Chính phủ có quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia”.

Thường vụ Quốc hội nói gì về đề xuất Thủ tướng có quyền chặn chuyển nhượng dự án cho DN ngoại?

Thường vụ Quốc hội nói gì về đề xuất Thủ tướng có quyền chặn chuyển nhượng dự án cho DN ngoại? (ảnh minh họa)

Về đề xuất này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, yếu tố bảo đảm quốc phòng, an ninh còn được quy định tại: khoản 1 Điều 7 (ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện); điểm b và điểm c khoản 2 Điều 24 (đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế); điểm c khoản 3 Điều 26 (thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp); điểm khoản 1 Điều 32 (thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh); điểm d khoản 6 Điều 34 (trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội) và khoản 3 Điều 47 (ngừng hoạt động của dự án đầu tư).

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp ngoại là quy định về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (Điều 26 dự thảo luật).

Theo đó, một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ, bổ sung quy định tiêu chí xác định phân loại địa bàn xã, phường, hải đảo, ven biển đối với việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại điểm c khoản 3 Điều 26 vì đây là khu vực trọng yếu liên quan đến an ninh, quốc phòng của đất nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm, trình tự, thủ tục lấy ý kiến của bộ quản lý ngành trong các trường hợp này;

Có ý kiến đề nghị bổ sung thủ tục đăng ký trong trường hợp nhà đầu tư trong nước giảm vốn dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc nhà đầu tư nước ngoài thay thế nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp (khác quốc tịch) hoặc chính nhà đầu tư đó thay đổi quốc tịch.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay vị trí các đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển đã được thể hiện trên bản đồ địa giới hành chính. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ngoài ra, khoản 5 cũng đã giao Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế quy định tại Điều này, trong đó có trình tự, thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trường hợp này phải lấy ý kiến của bộ, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, nghề đó, trong đó có điều kiện về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài có tỷ lệ sở hữu vốn không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện các giải pháp để đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tin mới lên