M&A

Thương vụ tuần qua: GTNFoods thành công ty con của Vinamilk, Sumitomo Life chi hơn 4.000 tỷ mua cổ phiếu BVH

(VNF) - Sau gần 1 năm kiên trì thâu tóm, ngày 20/12, Vinamilk đã nâng tỷ lệ sở hữu tại GTNFoods lên 75%, qua đó chính thức sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu. Trong tuần, thị trường M&A cũng ghi nhận một thương vụ ‘khủng’ khác là ông lớn Nhật Bản Sumitomo Life chi hơn 4.000 tỷ đồng nâng sở hữu tại Bảo Việt lên 22,09% vốn điều lệ.

Thương vụ tuần qua: GTNFoods thành công ty con của Vinamilk, Sumitomo Life chi hơn 4.000 tỷ mua cổ phiếu BVH

Những thương vụ nổi bật tuần qua.

Vinamilk hoàn tất thâu tóm Sữa Mộc Châu

Hôm 20/12, Vinamilk công bố đã mua vào 79,6 triệu cổ phiếu GTN, nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần GTNFoods từ 43,17% lên 75% vốn điều lệ.

Như vậy, GTNFoods đã trở thành công ty con của Vinamilk xét theo tỷ lệ sở hữu.

Dựa theo lịch sử giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu GTN, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính rằng Vinamilk đã mua 79,6 triệu cổ phiếu trên với giá trung bình khoảng 22.800 đồng/cổ phiếu.

Tổng cộng, VCSC ước tính Vinamilk đã chi ra khoảng 3.400 tỷ đồng để thâu tóm 75% cổ phần của GTNFoods.

"Dù vậy, số vốn của Vinamilk chi ra cho thương vụ này có khả năng được giảm một phần một cách gián tiếp khi GTNFoods đang xin ý kiến cổ đông để thoái vốn toàn bộ khỏi 3 công ty con ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, dự kiến sẽ thu về số tiền khoảng 734 tỷ đồng", VCSC cho hay.

Theo quan điểm của công ty chứng khoán này, hợp nhất GTNFoods sẽ không có tác động đáng kể ngay lập tức lên tình hình tài chính của Vinamilk do doanh thu và lãi ròng của GTNFoods khá nhỏ so với Vinamilk.

Tuy nhiên, VCSC nhấn mạnh rằng thâu tóm GTNFoods sẽ mang lại một số lợi ích cho Vinamilk trong dài hạn như gia tăng thị phần, gia tăng nguồn cung sữa đầu vào trong nước nhờ đàn bò sữa của Sữa Mộc Châu cũng như quỹ đất tiềm năng để mở rộng chăn nuôi bò sữa.

Vinamilk nhắm đến GTNfoods vì đơn vị này sở hữu 51% vốn tại Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sản xuất các sản phẩm sữa mang thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Được biết, Sữa Mộc Châu hiện sở hữu đàn bò lớn nhất miền Bắc, với hơn 25.000 con. Đặc biệt, Sữa Mộc Châu có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với khoảng cách địa lý gần, chất lượng sữa tươi đảm bảo. Sữa Mộc Châu đang hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với sản lượng trước mắt dự kiến từ 15-20 nghìn tấn sữa/năm.

GTNFoods được thành lập năm 2011 với vốn điều lệ thực góp 25 tỷ đồng trên 80 tỷ đồng đăng ký, GTN có 10 cổ đông sáng lập và tập trung vào ngành xuất khẩu các sản phẩm tre. Ở năm đầu hoạt động, GTN lãi hơn 4 tỷ đồng. Sau 3 năm, doanh nghiệp có 2 nhà máy, vươn lên đứng đầu xuất khẩu sản phẩm mây tre với hơn 50 quốc gia là thị trường tiêu thụ.

Từ một doanh nghiệp nhỏ GTNFoods đã lột xác với quá trình tăng vốn nhanh, gắn liền với các hoạt động M&A của doanh nghiệp.

Sumitomo Life chi hơn 4.000 tỷ nâng sở hữu tại Bảo Việt lên trên 22%

Hôm 18/12, Sumitomo Life đã mua hơn 41,4 triệu cổ phiếu BVH với giá 96.817 đồng/cổ phiếu, cao hơn 30% so với thị giá (74.000 đồng/cổ phiếu).

Tổng giá trị giao dịch là 4.012 tỷ đồng, tương ứng 173 triệu USD.

Sau giao dịch, Sumitomo Life chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Bảo Việt từ mức 17,48% lên 22,09% vốn điều lệ (7.423 tỷ đồng).

Năm 2012, Sumitomo Life đã chi 7.098 tỷ đồng (tương đương 340 triệu USD) mua 122.509.000 cổ phiếu BVH từ HSBC Insurance Holdings Limited - cổ đông sáng lập của Tập đoàn Bảo Việt.

Sumitomo Life cho rằng, một quốc gia trên 90 triệu dân như Việt Nam với thu nhập bình quân của người dân đang tiếp tục tăng lên, sẽ là thị trường đầy tiềm năng để phát triển mảng bảo hiểm nhân thọ. Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam trong năm tài khóa 2018 mới chỉ chiếm 1,5% GDP, thấp hơn nhiều so với 6,72% GDP tại Nhật Bản.

Với số tiền thu được từ thương vụ phát hành riêng lẻ lần này, Bảo Việt cho biết sẽ ưu tiên sử dụng vào việc tăng cường năng lực tài chính, phát triển hoạt động kinh doanh cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và bổ sung vốn lưu động.

SK Group bắt tay NPS lập quỹ 860 triệu USD chuyên đầu tư vào Việt Nam

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Cơ quan Hưu trí quốc gia (NPS) Hàn Quốc và SK Group đã hợp tác để ra mắt quỹ hợp tác doanh nghiệp (COPA) quy mô 1.000 tỷ won (860 triệu USD), chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.
NPS và SK, mỗi bên đóng góp hơn 400 triệu USD vào quỹ này. Quỹ mới sẽ do SKS Private Equity và Stonebridge Capital của Hàn Quốc quản lý.

Quỹ NPS - SK ra đời không lâu sau khi SK Group đầu tư 1 tỷ USD để mua 6,1% cổ phần tại tập đoàn Vingroup hồi tháng 5. Trước đó, SK Group chi 470 triệu USD sở hữu 9,4% cổ phần tại Masan Group năm 2018.

SK Group được biết đến là tập đoàn thương mại đứng thứ 4 trong top 10 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. SK là một tập đoàn đa ngành với các quy mô hoạt động như công nghệ viễn thông (SK Telecom), sản xuất đĩa nhạc và phim (hiện đang hợp tác cùng 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc SM, YG và JYP), điều chế dược phẩm (SK là nhà phân phối thuốc lớn nhất ở Hàn Quốc và thường xuyên cung cấp miễn phí cho người dân ở CHDCND Triều Tiên hàng năm), khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại (Coex Mall đang được điều hành bởi SK).

Với quỹ NPS-SK quy mô 860 triệu USD, SK dự kiến sẽ ưu tiên cho hoạt động M&A với các doanh nghiệp lớn tại Vệt Nam và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Đầu tháng 12, SK cho biết sẽ thành lập quỹ 1.000 tỷ won với  quỹ Trung Quốc Hillhouse Capital để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc.

Trước đó, vào tháng 9, SK đã ra mắt quỹ 1 tỷ USD với Liên minh tín dụng giáo viên Hàn Quốc để đầu tư xuyên biên giới.

Hàng trăm cửa hàng dược mỹ phẩm chuẩn Nhật sắp đổ bộ Việt Nam

Hôm 16/12, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group) đã chính thức ký kết hợp tác liên doanh với Tập đoàn Matsumoto Kiyoshi Holdings (Nhật Bản) nhằm phát triển chuỗi cửa hàng dược, mỹ phẩm chuẩn Nhật mang thương hiệu Flaship Matsumoto Kiyoshi trong 3 – 5 năm tới.

Flaship Matsumoto Kiyoshi được điều hành bởi liên doanh Matsumoto Kiyoshi Việt Nam.
Matsumoto Kiyoshi Việt Nam có vốn 31,5 tỷ đồng, trong đó Matsumoto Kiyoshi giữ 51% cổ phần và Lotus giữ 48,87%, còn lại 0,13% sẽ do Chủ tịch Lê Vân Mây của Lotus nắm giữ.

Theo thỏa thuận, bà Lê Vân Mây sẽ giữ cương vị chủ tịch của Matsumoto Kiyoshi Việt Nam, còn giám đốc điều hành sẽ do một nhân sự của Matsumoto Kiyoshi đảm nhận.

Hai bên cho biết, cửa hàng Flaship Matsumoto Kiyoshi đầu tiên sẽ ra mắt vào cuối tháng 3/2020 và sẽ phát triển thành chuỗi cửa hàng chuẩn Nhật trong 3 – 5 năm tới.

Matsumoto Kiyoshi Holdings là tập đoàn nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối dược – mỹ phẩm, sở hữu chuỗi cửa hàng lớn nhất Nhật Bản hiện nay. Còn Lotus Food Group là đơn vị sở hữu hệ thống phân phối bán hàng phủ khắp 61/63 tỉnh.

Theo dữ liệu từ Mintel – một công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu có trụ sở tại London (Anh), thị trường mỹ phẩm Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỷ USD tính đến cuối năm 2018, nhưng chủ yếu hoạt động theo mô hình bán lẻ truyền thống.

Chính vì vậy, các mô hình kinh doanh hiện đại đang có nhiều dư địa phát triển, trong đó sản phẩm đến từ Nhật Bản có nhiều cơ hội khi chiếm 17% doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam (đứng thứ ba sau Hàn Quốc và EU).

Tin mới lên