M&A

Thương vụ tuần qua: KEB Hana chính thức nắm 15% vốn của BIDV, Huyndai Card thâu tóm FCCOM

(VNF) - Thị trường M&A tuần qua nổi bật với các sự kiện: BIDV hoàn tất bán hơn 603 triệu cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank; Huyndai Card sẽ chi 42 triệu USD mua 50% cổ phần công ty tài chính của MSB; Vietcombank chốt phương án thoái vốn tại Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif; Quốc Cường Gia Lai muốn bán 25% vốn tại công ty Bến Du Thuyền Đà Nẵng.

Thương vụ tuần qua: KEB Hana chính thức nắm 15% vốn của BIDV, Huyndai Card thâu tóm FCCOM

BIDV hoàn tất thương vụ M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam

Ngày 1/11, BIDV đã công bố hoàn tất bán hơn 603 triệu cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc là KEB Hana Bank với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu nêu trên tương ứng 15% vốn điều lệ của BIDV.

Tổng giá trị giao dịch của thương vụ lần này đạt 20.208 tỷ đồng, xấp xỉ 900 triệu USD. Sau giao dịch, vốn điều lệ của BIDV tăng lên mức 40.220 tỷ đồng, tương ứng với hơn 4 tỷ cổ phiếu.

Theo kế hoạch sử dụng vốn sau phát hành, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được bổ sung vào vốn điều lệ ngân hàng và dùng để mở rộng một số lĩnh vực như tín dụng. Trong đó, nhà băng này sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi. Ngoài ra, BIDV cũng cho biết sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, SME và doanh nghiệp FDI...

Trước khi công bố hoàn tất thương vụ bán vốn lịch sử này, HĐQT BIDV đã đã phê duyệt trả cổ tức năm 2017 và năm 2018 với tỷ lệ mỗi năm là 7%/cổ phiếu, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 700 đồng. Hạn chót chốt danh sách nhận cổ tức là ngày 8/11/2019.

KEB Hana Bank là nhà băng thuộc sở hữu của Tập đoàn Tài chính Hana. Ngân hàng này được thành lập từ tháng 9/2015 trên cơ sở sáp nhập giữa Hana Bank và Korea Exchange Bank.

Tại thời điểm sáp nhập, tổng tài sản của KEB Hana Bank ước đạt 299 nghìn tỷ won (tương đương 255 tỷ USD), đứng đầu trong số các ngân hàng thương mại tại Hàn Quốc

Hiện tại, KEB Hana Bank có 134 chi nhánh nước ngoài tại 24 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đến thời điểm 30/6/2019, KEB Hana Bank có tổng tài sản 308.303 triệu USD. Năm 2018, KEB Hana Bank được công nhận là ngân hàng bán lẻ tốt nhất tại Hàn Quốc.

Hyundai Card chi 42 triệu USD thâu tóm công ty tài chính của MSB

Hôm 30/10, Hyundai Card - công ty phát hành thẻ tín dụng của hãng chế tạo ô tô Hàn Quốc Hyundai Motor, đã công bố sẽ mua lại 50% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB với giá 49 tỷ won (tương đương 42 triệu USD). Hợp đồng đã được ký kết hôm 28/10.

Dự kiến, thương vụ Hyundai Card mua 50% cổ phần FCCOM sẽ được hoàn tất vào quý I/2020, sau khi được cơ quan chức năng của Hàn Quốc và Việt Nam phê chuẩn.

Sau thương vụ này, FCCOM sẽ hoạt động như một liên doanh của Hyundai Card và MSB. Đơn vị phát hành thẻ tín dụng của Hyundai Motor sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các sản phẩm tài chính, marketing, quản trị rủi ro và năng lực kĩ thuật số của FCCOM, trong khi MSB phụ trách điều hành hoạt động của công ty này.

Chủ trương bán toàn bộ phần vốn góp tại FCCOM được MSB đưa ra cách đây hơn 1 năm, trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2018.

FCCOM tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Dệt may Việt Nam được MSB mua lại 100% vào năm 2015. Sau đó, công ty chính thức được đổi tên thành Công ty tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website, hiện nay, FCCOM có quy mô hơn 1.000 nhân viên và có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Vietcombank chốt phương án thoái vốn tại bảo hiểm Vietcombank – Cardif

Hôm 31/10, Vietcombank đã công bố nghị quyết của HĐQT về việc phê duyệt phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).

Thông tin chi tiết về việc thoái vốn như tỷ lệ vốn góp và thời gian chuyển nhượng chưa được công bố. Được biết, Vietcombank hiện đang nắm 45% cổ phần tại VCLI, 55% còn lại thuộc về BNP Parias Cardif - công ty thành viên do tập đoàn BNP Paribas sở hữu 100%.

Động thái của Vietcombank diễn ra trong bối cảnh thị trường có nhiều đồn đoán về việc FWD Group của tỷ phú Richard Li sắp trả khoảng 400 triệu USD cho Vietcombank dựa trên thỏa thuận phân phối bảo hiểm dài hạn qua ngân hàng này. Một phần của thỏa thuận là FWD sẽ mua Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI).

Với hợp đồng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), công ty bảo hiểm thường phải trả trước một khoản tiền để độc quyền bán các sản phẩm của mình thông qua mạng lưới ngân hàng. Cách thức hợp tác này đang ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á - một khu vực chủ yếu gồm các nền kinh tế đang phát triển với dân số trẻ.

Richard Li, con trai của người giàu nhất Hồng Kông Li Ka-shing (Lý Gia Thành), đang đặt cược lớn vào Đông Nam Á khi FWD đã chi 3 tỷ USD để mua lại một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ở Thái Lan vào tháng 7 vừa qua.

FWD đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2016, sau một thương vụ M&A nhỏ.

Quốc Cường Gia Lai muốn bán 25% vốn tại công ty sở hữu dự án Marina Complex

Tuần qua, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HoSE:QCG) đã thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng 25% vốn góp tại Công ty TNHH Bến Du Thuyền Đà Nẵng với giá chuyển nhượng từ 75 tỷ đồng trở lên.

Bà Nguyễn Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc QCG, được uỷ quyền tìm đối tác mua số vốn góp nêu trên, đàm phán, ký kết hợp đồng hợp đồng chuyển nhượng vốn và các giấy tờ liên quan.

Công ty Bến Du Thuyền Đà Nẵng là đơn vị sở hữu dự án Marina Complex tại khu vực bờ Đông thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Dự án này được cho là lấn sông Hàn và đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, dòng chảy của sông.

Dự án Marina Complex được phê duyệt ranh giới từ năm 2009 và giao cho Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu có diện tích 175.012m2. Trong đó, diện tích sử dụng đất phần đất liền là 105.520m2, diện tích sử dụng đất mặt nước 69.492m2. Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất Động sản và bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.

Dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh giá tác động môi trường năm 2017. Được biết, chủ đầu tư đã thi công hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khu vực phía Đông đường Lê Văn Duyệt và một số công trình nhà liền kề theo giấy phép xây dựng được cấp.

Tin mới lên