Thị trường

Thủy sản Việt Nam và những kỷ lục ấn tượng nhất từ trước tới nay

Trong 5 sự kiện nổi bật nhất của ngành thủy sản năm qua, vị trí số 1 là những kỷ lục ngành hàng này xác lập sau hàng chục năm tham gia thị trường thương mại thủy sản toàn cầu.

Thủy sản Việt Nam và những kỷ lục ấn tượng nhất từ trước tới nay

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc năm 2022, ngành thủy sản ghi nhận những con số kỷ lục. Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 11 tỷ USD (lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD).

Trong đó, ngành tôm lập kỷ lục với doanh số 4,3 tỷ USD. XK cá tra cũng thiết lập đỉnh mới khi đạt 2,4 tỷ USD, vượt năm cao nhất trước đó là năm 2018 (2,26 tỷ USD). Cá ngừ cũng lần đầu tiên trở thành ngành hàng mang về giá trị tỷ đô với doanh thu 1 tỷ USD… Kết quả chung của toàn ngành đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia XK thủy sản lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).

Không chỉ kỷ lục của các ngành hàng mà thủy sản XK còn ghi nhận kỷ lục doanh số từ các thị trường. Trong đó, thị trường số 1 là Mỹ lần đầu đạt kim ngạch 2,1 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường lớn thứ hai của XK thủy sản Việt Nam…

Ngành cá tra lập kỷ lục khi mang về kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD năm 2022 (Ảnh: CK).

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP - cho biết, có tới 95% số doanh nghiệp (DN) XK thủy sản là DN trong nước. Đây là tỷ lệ rất cao, thậm chí có thể coi là ngược xu hướng với số đông trong nền kinh tế hiện nay khi khoảng 70% số DN XK lớn thuộc nhóm FDI.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thủy sản như hệ lụy của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…

Nhưng trong bối cảnh đó, XK thủy sản vẫn tăng tốc và về đích với thành tích kỷ lục. Đó là kết quả của sự nỗ lực của hơn 800 DN chế biến và XK thủy sản, của bà con nông ngư dân và toàn ngành. Đó cũng là kết quả của một năm thuận lợi nhờ nền kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định, tạo điều kiện cho DN tận dụng cơ hội thị trường, vượt qua các khó khăn, thách thức.

Những sự kiện tiêu biểu

Ngoài những kỷ lục trong năm qua, ngành thủy sản có các sự kiện nổi bật khác như: Cuối tháng 10/2022, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã sang Việt Nam thanh tra tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ 3. Mặc dù ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị, nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhưng EC vẫn chỉ ra những tồn tại, hạn chế nên chưa gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho XK sang thị trường đông dân nhất thế giới này. Đó sẽ là cơ hội và lợi thế cho các DN Việt Nam trong thời gian tới.

Ở trong nước, Chính phủ ban hành loạt quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển ngành thủy sản tới năm 2030. Một văn bản quan trọng được Bộ NN&PTNT ban hành là Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công XK, sản xuất XK được miễn kiểm dịch.

“Đây thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho DN thủy sản, tạo điều kiện cho DN nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất XK trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, trong khi nhu cầu của thị trường thế giới gia tăng” - VASEP nhận định.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL (Ảnh: CK).

Thách thức phía trước

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhất là những nền kinh tế lớn, cùng với xu hướng lạm phát tăng cao, làm cho người tiêu dùng khắp nơi thắt chặt chi tiêu… thì bức tranh XK thủy sản năm 2023 sẽ khó giữ được tăng trưởng như năm 2022 và thậm chí có thể giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm.

Do vậy, ngành thủy sản nói chung và các DN chế biến XK nói riêng cần chuẩn bị một tâm thế đối diện với những thách thức phía trước như nhu cầu nhập khẩu giảm, giá hạ, trong khi các chi phí sản xuất vẫn cao… Đặc biệt là các thị trường nhập khẩu có thể sẽ khắt khe hơn, nhiều rào cản kỹ thuật hơn.

Những khó khăn từ thị trường và những tồn tại nội tại như thiếu nguyên liệu, thiếu lao động và một số bất cập khác càng đòi hỏi DN một ý chí mạnh mẽ hơn, linh hoạt, năng động hơn. Và đặc biệt là cần chuẩn bị cho chặng đường phía trước, khi mà thị trường dần ổn định trở lại thì chúng ta có sẵn nguồn lực, năng lực để sản xuất, chế biến và tăng tốc trở lại, gia tăng thị phần trước các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador…

Theo VASEP, dự báo XK trong quý I/2023 sẽ không thể giữ được kết quả tích cực như năm 2022 và thị trường có thể sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2023. Do vậy, XK thủy sản năm 2023 có thể giảm nhẹ, đạt khoảng trên 10 tỷ USD.
Tin mới lên