Tài chính quốc tế

Tiền ảo đang ở đỉnh hay còn tăng tiếp?

So với đầu năm, giá nhiều loại tiền ảo đã tăng 4 - 5 lần, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất từ đầu năm đến nay.

Tiền ảo đang ở đỉnh hay còn tăng tiếp?

So với đầu năm, hiện giá Bitcoin đã tăng 2,6 lần.

Tuy nhiên, cú đổ nhào của Bitcoin từ mức 19.657 USD/BTC vào tháng 12/2017, xuống còn hơn 3.000 USD vào đầu năm 2019 vẫn khiến nhiều người ớn lạnh.

Đà tăng của Bitcoin chưa dừng lại?

Đầu tuần này, Bitcoin vẫn xoay quanh 18.500 USD/BTC, chưa chinh phục được mốc giá kỷ lục 19.000 USD. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, giá Bitcoin đã tăng 2,6 lần, còn nếu so với tháng 3/2020, mỗi Bitcoin đã tăng giá hơn 13.000 USD (tăng gần 3,5 lần).

Dẫu vậy, tốc độ tăng giá của Bitcoin còn thua xa nhiều đồng tiền ảo khác. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Ethereum tăng gần 4,5 lần. Nhiều loại tiền ảo nhỏ cũng có mức tăng trưởng 100 - 300%. Nếu so với vàng (chỉ tăng hơn 20% từ đầu năm đến nay), thì Bitcoin mang lại lợi tức hấp dẫn hơn hẳn.

Theo thống kê của Bloomberg, trong vòng 1 năm qua, chỉ số tiền điện tử Bloomberg Galaxy đã tăng gần 159%. Bất chấp Covid-19, giá nhiều đồng tiền ảo phục hồi mạnh mẽ với sự dẫn đầu của Bitcoin.

Các chuyên gia phân tích nhận định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự hồi phục của Bitcoin và thị trường tiền ảo.

Thứ nhất, xu hướng tài chính phi tập trung ngày càng nở rộ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và định chế tài chính lớn.

Thứ hai, các công cụ phái sinh cho các đồng tiền ảo lớn là Bitcoin và Ethereum ngày càng mở rộng. Điều này đã tăng thanh khoản cho thị trường, thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn.

Ngoài ra, việc một số nền tảng thương mại điện tử lớn cho phép khách hàng sử dụng tiền ảo để thanh toán (PayPal) hoặc đầu tư vào tiền ảo (Square Inc) cũng khiến thị trường tiền ảo tăng điểm mạnh mẽ.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, trong dài hạn, Bitcoin có khả năng còn tăng giá tiếp. Dẫu vậy, xét về khía cạnh đầu tư, các đồng tiền ảo khác sinh lời tốt hơn. Dẫu vậy, chuyên gia này khuyến cáo, nhà đầu tư chỉ nên chọn trong 100 đồng tiền ảo hàng đầu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, dù tiền ảo đang tăng trưởng mạnh mẽ, song không phải nhà đầu tư nào cũng đủ năng lực để nhận diện tiền ảo tiềm năng và tiền ảo rác. Đáng lo là, ở Việt Nam, các loại tiền ảo lừa đảo rất nhiều và nhiều dự án trong số đó gắn với tiền ảo đa cấp. Nếu không cảnh giác, nhà đầu tư mới dễ sập bẫy các loại tiền ảo lừa đảo này.

Thực tế, Bitcoin và thị trường tiền ảo nóng trở lại đã khiến thị trường tiền ảo rác ở Việt Nam nở rộ từ đầu năm đến nay. Như báo giới đã đưa tin, từ năm 2019 đến nay, trên thị trường xuất hiện hàng chục đồng tiền ảo mới như Win, CBP, BBO, OCB, GEM, Silling, ETM, ESR, BKC, VNDC… Mỗi đồng tiền ảo lại gắn với một hệ sinh thái.

Công thức chung của các loại tiền ảo này là lợi nhuận siêu hấp dẫn, hoa hồng 7 - 9 tầng do một công ty mới thành lập phát hành (hầu hết có trụ sở ở nước ngoài, nhưng trang web bằng tiếng Việt và người truy cập hầu hết đến từ Việt Nam). Phản ánh với phóng viên, nhiều nhà đầu tư trót ôm OCB, BBO… cho biết, các đồng tiền ảo này đã biến mất, nhà đầu tư không thể vào tài khoản và đang trong đoạn trường kiện cáo, mong đòi lại tiền gốc của mình.

Nở rộ các dịch vụ ăn theo cơn sốt tiền ảo

Ngoài đa cấp tiền ảo nợ rộ, việc thị trường tiền ảo tăng giá mạnh cũng kéo theo các dịch vụ ăn theo ở Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ mua bán thiết bị “cày” tiền ảo và dịch vụ cho vay thế chấp tiền ảo.

Theo thống kê của Bloomberg, trong vòng 1 năm qua, chỉ số tiền điện tử Bloomberg Galaxy đã tăng gần 159%. Bất chấp Covid-19, giá nhiều đồng tiền ảo phục hồi mạnh mẽ với sự dẫn đầu của Bitcoin.

Trao đổi với phóng viên, một facebooker tên Cường đang quảng cáo cho vay cầm cố tiền ảo cho hay: “Nhiều người đang sở hữu Bitcoin, Ethereum… và muốn đầu tư thêm vào tiền ảo, nhưng lại không còn vốn. Chúng tôi sẵn sàng cho vay cầm cố tiền ảo trên với lãi suất chỉ từ 6%/năm để nhà đầu tư tăng cơ hội đòn bẩy mua tiền ảo. Tất nhiên, trong trường hợp đến hạn thanh toán mà nhà đầu tư không có khả năng chi trả, chúng tôi sẽ bán coin để thu hồi nợ và hoàn trả phần còn lại (nếu có) cho nhà đầu tư”.

Theo tìm hiểu, hiện trên thị trường, rất nhiều sàn giao dịch tiền ảo và các nền tảng P2P lending đang nhắm tới nhà đầu tư Việt như Binance, Constant… để cho vay. Theo đó, nhà đầu tư có thể cầm cố Bitcoin, Ethereum, USDT… để vay khoảng 60 - 66% giá trị tài sản thế chấp, lãi suất khoảng 0,18%/ngày (gần 65%/năm).

Trên thực tế, tài chính phi tập trung (DeFi) có rất nhiều ứng dụng như vay và cho vay, bảo hiểm, giao dịch ngoại hối… Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý khiến việc cung cấp dịch vụ qua nền tảng này thiếu an toàn.

Riêng với Bitcoin và các loại tiền ảo khác, dù giá cả sẽ còn tăng do “ăn theo” xu hướng DeFi, song rủi ro rất lớn. Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung là kênh đầu tư rủi ro hàng đầu. Giá Bitcoin rơi từ mức xấp xỉ 20.000 USD/BTC vào tháng 12/2017, xuống còn hơn 3.000 USD/BTC năm 2019 là ví dụ điển hình. Do đó, đầu tư tiền ảo là kênh đầu tư chỉ phù hợp với nhà đầu tư am hiểu và có khẩu vị rủi ro cao.

Tin mới lên