Ngân hàng

'Tiền đồng được định giá tương đối mạnh là một sai lầm'

(VNF) - Những vấn đề liên quan đến chính sách ngoại hối và chính sách tỷ giá là khá phức tạp và đôi khi có sự nhầm lẫn giữ hai phạm trù này.

'Tiền đồng được định giá tương đối mạnh là một sai lầm'

ts. Nguyễn Đức Thành

Trong bối cảnh câu chuyện tỷ giá đang nóng, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu quan điểm của mình về vấn đề này:

"Thứ nhất, chính sách ngoại hối liên quan đến việc Nhà nước nên ứng xử với tiền nước ngoài (ngoại tệ) như thế nào, trong lãnh thổ của Việt Nam. Cách thứ nhất, ứng xử như một loại tiền hoặc gần như tiền (quasi-money), tức là có thể lưu thông (chức năng giao dịch và tín dụng). 

Cách thứ hai, ứng xử như một loại tài sản, tức là lưu giữ tài sản và mua bán như tài sản mà thôi, không có chức năng giao dịch và tín dụng. Quyết định thế nào, thì mỗi Nhà nước có toàn quyền.

Với cách hiểu như thế, hiện NHNN đang dịch chuyển từ cách thứ nhất sang cách thứ hai và đó là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Tôi ủng hộ chính sách ngoại hối như vậy; giống như tôi đã ủng hộ chính sách vàng trong mấy năm qua. Bản chất hai chính sách này là giống nhau, chỉ khác cái làm trước cái làm sau.

Thứ hai, chính sách tỷ giá liên quan đến việc thiết lập cơ chế xác định giá của các đồng ngoại tệ được tính thế nào theo giá đồng nội tệ (VND) và qua đó, xác định xem mức giá đó là bao nhiêu, có hợp lý không.

Với chính sách tỷ giá, thì tôi cho rằng tỷ giá hiện nay chưa có cơ chế mang tính thị trường hoặc gần với thị trường, bị xác định một cách nhân tạo. 

Và vì nhân tạo, ta có quyền thảo luận xem mức nhân tạo đó có phù hợp chưa, có lợi cho ai, hại cho ai, và về tổng thể có lợi cho nền kinh tế không. Quan điểm của tôi là mức giá này đang bị định giá thấp, tức là đồng VND mạnh tương đối so với đồng USD và đây là một sai lầm.

Sai lầm này có nguồn gốc chính trị. Và vì NHNN không phải một cơ quan kỹ trị, mà bị chi phối về chính trị, nên nó không tự điều chỉnh theo hướng có lợi cho toàn bộ nền kinh tế. 

Tuy nhiên, hai chính sách nêu trên có mối liên hệ với nhau. Nếu NHNN thành công trong chính sách ngoại hối như đang làm hiện nay, tức là tách ngoại tệ khỏi chức năng tiền tệ và tín dụng, đưa nó về thành tài sản, thì sẽ mở đường cho những cải cách trong chính sách tỷ giá. Hy vọng cùng với những cải cách trong vai trò của NHNN (theo hướng độc lập hơn), chúng ta sẽ có khả năng sửa dần những sai lệch về tỷ giá hiện nay.

Vì thế, những gì Thống đốc NHNN mới tuyên bố là có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, chứ không phải là nói suông, như nhiều người tưởng. Vấn đề là phải có một quan điểm rõ ràng, lâu dài về vị trí và chức năng của NHNN như một Ngân hàng Trung ương thực thụ".

Tin mới lên