Ngân hàng

'Tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế trên tinh thần phải kiểm soát được lạm phát'

(VNF) - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế một cách hợp lý trên tinh thần phải kiểm soát được lạm phát.

'Tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế trên tinh thần phải kiểm soát được lạm phát'

Phó thống đốc: Tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế trên tinh thần phải kiểm soát được lạm phát

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 9/6/2022, dư nợ tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế một cách hợp lý trên tinh thần phải kiểm soát được lạm phát.

"NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế", phía NHNN thông tin thêm.

Liên quan đến chính sách quản lý hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay đây là một công cụ điều hành của NHNN nhưng bên cạnh đó, NHNN cũng liên tục cập nhật, nâng cấp các chuẩn mực quản trị rủi ro mới và áp dụng đối với các ngân hàng thương mại.

Đại diện NHNN cho biết trước đây, khi chưa áp dụng cơ chế room tín dụng, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại rất cao, vượt rất xa khả năng quản trị của ngân hàng, dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Theo vị này, trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều vượt 20% dù định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ 14%. Với tốc độ tăng trưởng lớn như vậy, nếu không kiểm soát room tín dụng, áp lực lạm phát sẽ rất lớn, áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao.

Theo đại diện NHNN, hiện nay có những ngân hàng vẫn còn room tín dụng nhưng cũng có những ngân hàng đã gần cạn room. Vị này cho rằng đây là cơ hội để các ngân hàng cạn room tín dụng xem xét lại khẩu vị rủi ro, "gạn đục khơi trong" trong việc cấp tín dụng; bên cạnh đó, khách hàng cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn huy động.

Trong điều hành lãi suất, đại diện NHNN cho hay việc duy trì được lãi suất ổn định là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh trước đó NHNN đã 3 lần hạ lãi suất điều hành, đồng thời áp lực lạm phát rất lớn do nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao trong khi lạm phát tại các nước trên thế giới rất cao.

"NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh", phía NHNN khẳng định.

Về cơ cấu lại nợ, theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.

Cụ thể, dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Về tỷ giá, NHNN cho biết sẽ điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Trong hoạt động thanh toán, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng 56,52% và 111,62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

"Thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu của Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội 2022-2023, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường...", phía NHNN cho hay.

Tin mới lên