Thị trường

Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đối với xăng, dầu

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao. 

Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế đối với xăng, dầu

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu việc giảm thuế xăng dầu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm Thuế GTGT và Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu; trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá… xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá; thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt sắp tới, nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu. Động thái này càng làm giá dầu có nguy cơ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới, vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Những biến động không ngừng của giá xăng, dầu, đòi hỏi cần có những kịch bản ứng phó, để nền kinh tế giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững.

Ngoài ra, dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn dự kiến tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không thoả mãn được nhu cầu tăng trưởng.

Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ KH&ĐT) Lê Tuấn Anh cho rằng để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như: Tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát; đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.

Xem thêm >> Bộ Tài chính xin Thủ tướng chủ trương giảm thêm 2 loại thuế xăng dầu

Tin mới lên