Thị trường

Tiểu thương các chợ điêu đứng vì vắng khách mua

(VNF) - Kênh bán hàng ở các chợ đang giữ doanh số hàng chục tỷ USD mỗi năm trên thị trường nội địa. Nhưng hiện tiểu thương bán hàng ở các chợ đang gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự đình trệ của ngành du lịch, từ sự thắt chặt chi tiêu của các gia đình. Những ngôi chợ tấp nập khách mua, với trị giá mỗi sạp vài tỷ đồng của các tháng trước, nay đang trở nên đìu hiu, lặng lẽ.

Tiểu thương các chợ điêu đứng vì vắng khách mua

Tiểu thương các chợ điêu đứng vì vắng khách mua

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay kênh bán lẻ truyền thống chiếm 74% thị phần bán lẻ cả thị trường với 8.539 chợ. Tại mỗi chợ, số lượng sạp từ vài trăm đến cả ngàn, là nơi mưu sinh của hàng ngàn người.

Theo số liệu của Nielsen, doanh thu kênh chợ và tiệm tạp hóa đang ở mức khoảng 10 tỷ USD mỗi năm.

Sau những ngày giãn cách xã hội, cả nước quay lại trạng thái bình thường mới nhưng tiểu thương các chợ không quay lại được những ngày đông khách như trước. Khách du lịch không đến, tình trạng buôn bán rơi vào ế ẩm. Các hộ tiểu thương bán cầm chừng, rồi lần lượt nghỉ bán.

Việc kinh doanh tại chợ Hàn, một trong 4 chợ lớn ở Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19. Từ đầu tháng 4, cả chợ Hàn có hơn 600 hộ kinh doanh nhưng 85% hộ phải đóng cửa, ngừng bán, chỉ còn lại một số ít quầy hàng bán thực phẩm ăn uống, hàng thiết yếu. T

heo Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, 4 chợ lớn thuộc đơn vị quản lý gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường có khoảng 5.000 hộ tiểu thương kinh doanh thì có đến 4.000 hộ phải đóng cửa, ngừng buôn bán.

Còn theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, tiểu thương, người buôn bán nhỏ bị ngừng buôn bán thì được hỗ trợ nếu tổng doanh thu khai thuế thuế dưới 100 triệu/năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Những trường hợp kinh doanh nhỏ, không khai thuế thì xem như là lao động mất việc, hỗ trợ 1 triệu đồng/1 tháng mất việc.

Ảnh minh họa

TP. HCM có tổng cộng 238 chợ, trong đó 235 chợ truyền thống, hằng ngày cung ứng hàng hóa cho hơn 10 triệu dân thành phố. Hiện 80%-90% tiểu thương các chợ đã trở lại kinh doanh nhưng hầu hết phải chật vật xoay xở vì chợ vắng, ế; khách chỉ mua lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu.

Chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh có gần 1.000 tiểu thương, với 700 quầy hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, sức mua giảm mạnh gần 50%; trong giai đoạn cách ly giảm tới 80%.

Chợ Bến Thành vốn được xem biểu tượng của TP. HCM và là nơi buôn bán sầm uất, là địa điểm du lịch mang dấu ấn lịch sử lẫn văn hóa Sài Gòn thì đến thời điểm này, phân nửa số sạp vẫn đang đóng cửa.

Toàn quận 1, TP. HCM có 5 chợ truyền thống, gồm: chợ Bến Thành và chợ đêm Bến Thành, Tân Ðịnh, Thái Bình, Ða Kao, Dân Sinh. Trong đó, chợ Bến Thành bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19 vì là chợ du lịch. Về hỗ trợ tiểu thương, những hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đã được trợ cấp 1 triệu đồng/tháng (trong 3 tháng) và đã có 80 hộ được nhận trợ cấp. Ðối với tiền thuế, những hộ đóng cửa nghỉ bán có làm đơn sẽ không phải đóng thuế.

Ban quản lý chợ An Đông cũng đã có chính sách hỗ trợ các tiểu thương ở đây như: không thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng trong tháng 4 và tháng 5; miễn 100% tiền dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; miễn 100% tiền điện máy lạnh; miễn 100% tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng; giảm 50% tiền vệ sinh quét dọn. Đối với những hộ đã thanh toán các khoản nêu trên trong tháng 4/2020, ban quản lý sẽ thực hiện việc khấu trừ lại trong kỳ thu tiếp theo.

Đến thời điểm này, cơ bản việc hỗ trợ tiền cho tiểu thương buôn bán tại các chợ trên địa bàn đã được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố và Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Theo Sở Công thương TP. HCM, trong những tháng đầu năm 2020, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại các chợ truyền thống, hoạt động kinh doanh, buôn bán giảm mạnh (từ 50 - 80%). Giảm mạnh nhất là từ tháng 2/2020 đến nay, khiến nhiều người bán hàng gặp khó khăn trong kinh doanh để ổn định cuộc sống

Các khoản như dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng, phí dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tiền điện - nước, tiền sử dụng nhà vệ sinh công cộng... tại nhiều chợ chưa được hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa thống nhất.

Sở Công Thương TP. HCM đã trình UBND TP. HCM giải pháp hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tiểu thương. Hai phương án được đề xuất là miễn thu tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ (áp dụng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020) hoặc giảm 50% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ (áp dụng 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2020).

Một số tiểu thương cũng nỗ lực kéo khách bằng chương trình khuyến mãi giảm giá 10%-15%, hoặc chuyển sang bán hàng online, bán hàng qua điện thoại… nhưng cũng chưa tăng được doanh thu như mong muốn. Nhiều người đã bắt đầu tính toán tìm hướng kinh doanh khác.

Tin mới lên