Thị trường

Tìm giải pháp tài chính cho nhà ở xã hội khi hết gói 30 ngàn tỷ

(VNF) - Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng Chính phủ Việt Nam cần phải có chính sách tài chính dài hạn đối với việc hỗ trợ nhà ở xã hội trước việc gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ sẽ hết hiệu lực vào tháng sáu năm nay.

Tìm giải pháp tài chính cho nhà ở xã hội khi hết gói 30 ngàn tỷ

Ông Tsurutani Manabu, chuyên gia tư vấn cao cấp Viện nghiên cứu Nomura

Tại hội thảo về vấn đề nhà ở tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần phải có chính sách tài chính dài hạn đối với việc hỗ trợ nhà ở xã hội trước việc gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ sẽ hết hiệu lực vào tháng sáu năm nay.

Nếu vào năm 1997 chỉ có 20% dân số Việt Nam sống ở đô thị, việc mua bán nhà chủ yếu được thực hiện bằng vàng và không vay ngân hàng thì đến năm 2015 con số này đã lên đến 34% và người dân sử dụng các khoản tín dụng trong việc mua bán bất động sản.

Như vậy có thể thấy vấn đề nhà ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên nhanh chóng dự tính năm 2016 tỷ lệ dân số sống tại các đô thị sẽ là 51%, quy mô hộ gia đình ngày càng có xu hướng thu nhỏ lại đồng nghĩa với việc nhu cầu nhà ở sẽ càng ngày càng tăng cao trong tương lai.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tsurutani Manabu, chuyên gia tư vấn cao cấp Viện nghiên cứu Nomura, thì chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội của Việt Nam hiện nay còn chưa ưu việt vì sẽ chỉ có một số ít người may mắn được tiếp cận với nguồn vốn của chính phủ, trong khi nhu cầu mua nhà của người dân là rất lớn.

Theo số liệu thống kê của B&Company, có đến 67% số người từ độ tuổi 25 - 40 được hỏi chưa có nhà riêng và 60% trong số đó có nhu cầu về nhà ở. Trong đó, 75% muốn có nhà nhưng không có kế hoạch mua nhà là do thiếu năng lực tài chính. Như vậy có thể thấy nhu cầu vay vốn mua nhà trong tương lai của người dân là rất lớn.

Tại hội thảo, các chuyên gia phân tích ba mô hình tài chính tiêu biểu trong việc hỗ trợ nhà ở xã hội của Thái Lan, Malaysia và Philipines. Rất nhiều các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… đã có chính sách tài chính hỗ trợ cho nhà ở xã hội từ 50 năm trước.

Cụ thể, ở Malaysia áp dụng giải pháp chứng khoán hóa (phát hành chứng khoán để huy động vốn cho vay mua nhà), tại Thái Lan sử dụng chính sách ngân hàng nhà nước, tại Trung Quốc, Philipines, Singapore sử dụng các "quỹ đảm bảo xã hội".

Trong đó giải pháp tài chính thành công trên toàn thế giới là giải pháp "quỹ đảm bảo xã hội - HDMF" (Home Development Mutual Fund) được áp dụng tại Philipines. Quỹ này được thành lập năm 1987, chuyên hỗ trợ các thành viên trong vấn đề hỗ trợ các khoản vay để mua nhà.

Những thành viên muốn nhận hỗ trợ từ quỹ sẽ phải tham gia vào quỹ đồng thời thỏa mãn một số điều kiện về thu nhập và tuổi tác. Do được điều phối bởi hai tổ chức về tiền lương và bảo hiểm của lao động nên giải pháp tài chính này có ưu điểm là an toàn khi quỹ có thể nắm được tình hình tài chính của người đi vay. 

Đối với giải pháp chứng khoán hóa tại Malaysia đòi hỏi thời gian chuẩn bị tương đối dài và không phù hợp với các thị trường tài chính chưa phát triển. Tuy nhiên, ưu điểm của giải pháp này là vốn của chính phủ ít và khả năng xoay vòng vốn cao, đây có thể là một giải pháp mà Việt Nam có thể triển khai từ bây giờ để phát triển lên trong tương lai.

Ngoài ra, giải pháp về một ngân hàng nhà nước cũng được áp dụng ở Thái Lan. Với giải pháp này, người đi vay có thể được hưởng mức lãi suất cố định trong thời gian dài như 5 năm hay 10 năm, đồng thời ngân hàng công khai minh bạch báo cáo và thống kê và tài chính hằng năm.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề về nhà ở mà còn là vấn đề về không gian sống xung quanh. Có đến 20-30% người dân tại Hà Nội sống trong nhà có diện tích bé hơn 20 m2.

Để cải thiện tình hình nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ cần tái khởi động lại các gói hỗ trợ cho người dân có thu nhập trung bình, tiến hành thành lập các quỹ, tổ chức tài chính của nhà nước hay hỗn hợp tư nhân nhà nước để hỗ trợ vốn. Về luật pháp, cần phải hoàn thiện luật chứng khoán, cần phải công khai các dữ liệu của các tổ chức tài chính và thị trường.

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam nên chuyển hướng hỗ trợ cho các đối tượng trẻ và có mức thu nhập trung bình thay vì các đối tượng có thu nhập thấp như trước đây. Trong tương lai, số lượng dân số có thu nhập thấp sẽ giảm và dân số có mức thu nhập trung bình sẽ tăng, do vậy hướng đến các đối tượng trẻ và thu nhập trung bình sẽ mang lại nhiều hiệu quả xã hội hơn bên cạnh các vấn đề về hỗ trợ đói nghèo.

Dưới tác động từ hội nhập và sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng đang tăng trưởng ở mức cao, thì có thể thấy càng ngày càng nhiều doanh nghiêp quan tâm đến lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiêu câu chuyện nhà ở xã hội là câu chuyện cần có sự phối hợp của cả chính phủ hai nước và cả các doanh nghiệp.

Theo lời ông Yoshinobu Sugimoto, cố vấn công ty Maeda Corporation thì "một giàn giao hưởng cần phải tuân theo người nhạc trưởng và các nhạc công phải phối hợp ăn ý" nói cách khác, để giải pháp tài chính được thực hiện trơn tru cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kiến trúc, tư vấn viên, ngân hàng, JICA, các bên liên quan và cần một chính sách tài chính hợp lý về lâu dài.

Tin mới lên