Tài chính

Tìm nguyên nhân TTCK lao dốc đột ngột

(VNF) - Nhiều nhà đầu tư từng lầm tưởng rằng thị trường chứng khoán (TTCK) “miễn nhiễm” với những thông tin tiêu cực.

Tìm nguyên nhân TTCK lao dốc đột ngột

Tìm nguyên nhân TTCK lao dốc đột ngột

Bất thường?

Không chỉ các lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán kể từ khi bùng dịch Covid-19 mà ngay cả các nhà đầu tư lâu năm cũng bị choáng váng bởi đợt giảm đột ngột thời gian qua.

Nhìn lại, chỉ số VN-Index bắt đầu phát đi tín hiệu bất thường kể từ phiên giao dịch ngày 7/4. Cụ thể, trong 3 phiên liên tiếp (7/4, 8/4 và 12/4), chỉ số VN-Index giảm đều đặn trên 20 điểm mỗi phiên, từ 1.522 xuống 1.502 điểm rồi xuống 1.482 điểm và tiếp tục xuống 1.455 điểm.

Nhiều nhà đầu tư tưởng rằng đây chỉ là các phiên điều chỉnh sau khi chinh phục không thành công đỉnh lịch sử, nhất là khi phiên giao dịch sau đó (13/4), VN-Index đã hồi phục mạnh gần 22 điểm. Thế nhưng suốt 6 phiên tiếp theo, VN-Index đều “đỏ lửa”, lao dốc một mạch 107 điểm về mốc 1.370 điểm, rồi hồi phục nhẹ hơn 9 điểm trong phiên kế tiếp.

Sau phiên hồi phục nhẹ, chưa kịp định hình chuyện gì đang xảy ra, giới đầu tư đã lại phải chịu cú sốc lớn khi VN-Index “bốc hơi” hơn 68 điểm trong phiên 25/4, về chỉ còn 1.310 điểm.

Như vậy, chỉ sau hơn 2 tuần với 12 phiên giao dịch, VN-Index đã giảm tới 212 điểm. Mặc dù mức giảm vào khoảng 14% nhưng tài khoản của phần lớn nhà đầu tư “bốc hơi” nhiều hơn, đặc biệt nếu trót “đu đỉnh” cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng như các cổ phiếu bất động sản.

Tưởng chừng như đã tạo đáy bởi trong 6 phiên tiếp theo, dù có phiên tăng, phiên giảm nhưng chỉ số sàn HoSE đã hồi phục được khoảng 50 điểm, nhưng nhà đầu tư lại phải chịu cú sốc nặng hơn nữa khi chỉ trong 2 phiên 6/5 và 9/5, VN-Index giảm tới… 91 điểm, về còn 1.269 điểm.

2 phiên tiếp theo, VN-Index đã lấy lại mốc 1.300 điểm, nhưng ít ai ngờ rằng màn “tra tấn” nhà đầu tư đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Chỉ số VN-Index giảm tới gần 63 điểm trong phiên 12/5, tiếp tục giảm 56 điểm trong phiên 13/5 và ở phiên tiếp theo (16/5) lại rớt thêm gần 11 điểm, về còn 1.171,95 điểm, sát mức điểm từng đạt được cách đây… 15 năm (1.170 điểm vào tháng 3/2007). Nhiều nhà đầu tư lúc này gọi thị trường chứng khoán là “đứa trẻ không chịu lớn”.

Đa số nhà đầu tư, nhẹ thì mất lãi đã tích lũy được từ năm 2021, nặng thì tài khoản giảm 30%, 50%, thậm chí mất nhiều hơn nếu sử dụng đòn bẩy margin. Trên thực tế, VN-Index đã về vùng giá hồi tháng 3/2021 và các nhà đầu tư thường có hành vi “bơm” thêm tiền hoặc tăng margin sau một thời gian “kiếm tiền dễ”, do vậy thiệt hại lúc sau thường lớn hơn lợi nhuận kiếm được trước đó.

Bên cạnh sự suy giảm đột ngột về giá, có 3 điểm cũng rất đáng chú ý. Thứ nhất là thanh khoản sụt giảm rất mạnh. Thứ hai là biên độ dao động trong phiên rất lớn, tình trạng “sáng xanh chiều đỏ”, “sáng đỏ chiều xanh” thường xuyên diễn ra. Thứ ba là giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh tăng đột biến.

Những diễn biến khác thường trên thị trường chứng khoán xảy ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn vững vàng đi lên, lạm phát trong tầm kiểm soát, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, định giá P/E của thị trường ở mức hấp dẫn, khác hẳn với các đợt “sập hầm” trước đó, càng khiến giới đầu tư “khó hiểu” và cố truy tìm nguyên nhân.

Có ý kiến cho rằng 2 năm vừa qua, nhiều cổ phiếu đã tăng rất mạnh nên phần nào đã cạn kiệt động lực tăng trong ngắn hạn, cùng với đó, thị giá của không ít cổ phiếu đã vượt xa giá trị thực, nên việc điều chỉnh sâu là cần thiết để tạo mặt bằng giá hấp dẫn hơn. Nhưng lý giải này có vẻ chưa đủ nếu nhìn vào những diễn biến khác thường trên thị trường trong thời gian vừa qua.

Có những ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh còn do chịu áp lực tăng lạm phát, tăng lãi suất từ thị trường thế giới, do “căng” margin, thậm chí có những quan điểm còn cho rằng do ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán phái sinh, hay do… bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán.

Hay bình thường?

Cuối tháng 3/2022, giới đầu tư chấn động mới vụ việc bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Hàng loạt nhân vật liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết sau đó cũng lũ lượt vào trại tạm giam sau.

Khi mà vụ việc trên chưa tạm lắng xuống thì nối tiếp lại vụ việc hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đặc biệt là sự kiện bắt Chủ tịch Đỗ Anh Dũng.

Suốt khoảng thời gian từ đó tới nay, các cơ quan quản lý liên tục phát đi thông điệp minh bạch hóa thị trường cổ phiếu cũng như trái phiếu, xử nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng các hàng rào pháp lý theo hướng chú trọng phát triển thị trường vốn bền vững, an toàn.

Liệu rằng đợt sụt giảm đột ngột trên thị trường chứng khoán lần này có liên quan đến các vụ việc trên hay không?

Trên thực tế, trong ngày 29/3 – ngày ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam, chỉ số VN-Index tăng gần 15 điểm. Ngày hôm sau (30/3), VN-Index cũng chỉ giảm 7 điểm rồi liên tục tăng trong 3 phiên tiếp theo với tổng mức tăng 34 điểm.

Với sự kiện Tân Hoàng Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố thông tin hủy 9 đợt phát hành trái phiếu vào ngày 4/4 (sau giờ giao dịch), Bộ Công an công bố bắt ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh vào ngày 5/4 (sau giờ giao dịch). Trong cả 3 phiên 4/4, 5/4 và 6/4, chỉ số VN-Index không những không lao dốc mà còn ổn định ở vùng giá rất cao trên 1.520 điểm.

Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng rằng thị trường chứng khoán “miễn nhiễm” với những thông tin tiêu cực, từ đó gây tâm lý chủ quan. Nhưng có giả thiết cho rằng, việc thị trường chứng khoán lao dốc đột ngột trong thời gian qua là có liên quan mật thiết đến các sự kiện chấn động thời gian qua.

Giả thiết này cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi các nhà tạo lập thị trường (Market Maker), trong đó, vai trò của giới chủ doanh nghiệp là rất quan trọng. Sự kiện bắt ông Trịnh Văn Quyết vì hành vi thao túng giá chứng khoán đã phần nào khiến các nhà tạo lập thị trường “chùn tay”, từ đó hạ tỷ lệ margin, hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn hơn.

Nhưng theo giả thiết này, sự kiện Tân Hoàng Minh mới thực sự tạo ra ảnh hưởng lớn và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Dẫu cho cơ quan quản lý muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp “hạ cánh mềm” sau sự kiện Tân Hoàng Minh thì thông điệp của cơ quan quản lý vẫn rất rõ ràng: phát triển thị trường minh bạch, bền vững. Vì thế mà Nhà nước sẽ sớm nâng các tiêu chuẩn phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng như chặt tay hơn trong việc xem xét thông qua các thương vụ phát hành trái phiếu, đồng thời tiến hành các đợt thanh tra liên quan đến trái phiếu.

Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp “có vấn đề” không thể phát hành trái phiếu trong tương lai để tái cơ cấu/đảo nợ, lấy nợ mới trả nợ cũ; cùng với đó, nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng lớn - chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý Nhà nước, sẽ có tâm lý muốn "trả" lại trái phiếu trước hạn. Do vậy, giới chủ doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ phải tìm nguồn tiền từ nơi khác để phục vụ cho việc trả nợ trái phiếu, trong đó không loại trừ việc rút tiền khỏi thị trường cổ phiếu.

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng một lượng tiền không nhỏ chảy vào thị trường cổ phiếu là từ huy động trên thị trường trái phiếu, vì thế đây sẽ là lượng tiền bị ưu tiên rút ra sớm, cùng với margin liên quan đến lượng tiền này.

Điểm cần đặc biệt lưu ý là vấn đề trả nợ trên thị trường trái phiếu không phải “một sớm một chiều” có thể xử lý êm xuôi nên việc giới chủ doanh nghiệp rút tiền khỏi thị trường cổ phiếu nhiều khả năng chưa thể sớm kết thúc và còn tùy thuộc vào mức độ “siết” quy định của các cơ quan quản lý trong tương lai.

Giả thiết này giải thích được lý do vì sao thanh khoản và giá trên thị trường cổ phiếu sụt giảm đột ngột và bước sang xu hướng giảm trong trung hạn, do đó không kỳ vọng rằng chỉ số VN-Index sẽ hồi phục theo hình chữ V sau đợt sụt giảm “khủng khiếp” vừa qua. Dù vậy, xét trong dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có định giá hấp dẫn trong bối cảnh vĩ mô ổn định, dần dần sẽ thu hút dòng tiền trở lại, nhưng sẽ cần thời gian. Cũng phải nhấn mạnh rằng trong bài toán phát triển dài hạn của cả nền kinh tế, việc lành mạnh hóa hệ thống tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu, điểm khó là cân đong liều lượng các giải pháp để không gây sốc nặng cho liên thị trường cổ phiếu - trái phiếu - bất động sản.

Tin mới lên