Tài chính tiêu dùng

Tín dụng đen sống nhờ kẽ hở luật pháp

VNF - Mời chào vay “không thế chấp, giải ngân nhanh” sau đó trói người vay vào bẫy lãi suất cao, chiêu trò này khiến những ai đã “dính” vào tín dụng đen thì khó lòng thoát khỏi. Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an nói như vậy và cho rằng để đẩy lùi tín dụng đen, cần phải có một bộ giải pháp cùng sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tín dụng đen sống nhờ kẽ hở luật pháp

Tín dụng "đen" rộ lên khoảng 4 năm nay nhưng hiện vẫn chưa có bộ giải pháp tổng thể ngăn chặn. Ảnh: Sưu tầm.

Phát biểu tại một hội nghị chuyên ngành về đẩy lùi tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tuần trước, ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục C45, cho rằng kẽ hở luật pháp là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tín dụng đen hoành hành trong khoảng 4 năm qua.

Lật mặt tín dụng đen

Theo ông Tám, Bộ Công an định nghĩa tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất do pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Hoạt động của tín dụng đen có thể gắn với hoạt động của tội phạm có tổ chức và núp dưới các vỏ bọc là cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, doanh nghiệp, công ty được cấp phép hoặc không phép.

Về dấu hiệu nhận biết, thứ nhất, tín dụng đen núp bóng cơ sở kinh doanh, hoặc nhóm kinh doanh như cầm đồ, dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính (có hoặc không phép); tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới các hình thức khuyến mãi hoa hồng, huy động vốn đầu tư, uỷ thác đầu tư, đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.

Thứ hai, các cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường, có thể là dạng hụi, họ, biêu, phường, hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp.

Thứ ba, một số đối tượng và/hoặc cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động để quảng cáo; từ đó, tiếp cận các con mồi có nhu cầu vay với lãi suất cao.

Thứ tư, có khá nhiều người dù không hoạt động chuyên nghiệp cho vay nhưng bị nhử lãi suất cao nên đã đi vay tiền bạn bè, người thân trong gia đình, dòng họ, sau đó cho vay tiếp để hưởng lợi.

Tuy nhiên, những người này chỉ hưởng lợi trong thời gian đầu, khi được trả lãi đầy đủ theo cam kết. Khi con nợ bỏ trốn, họ trở thành con nợ trung gian gắn với khối nợ khổng lồ, bị siết nợ và phải trốn chui trốn lủi.

“Đầu ra” của tín dụng đen rất đa dạng. Đó là sinh viên, học sinh, người kinh doanh nhỏ lẻ, công chức và cả gái mại dâm, dân cờ bạc lô đề, cá độ, buộn lậu, buôn hàng cấm, cò mồi bất động sản, người dân cần tiền cấp bách để chi tiêu”, ông Tám cho biết.

Tín dụng đen nhan nhản công khai khắp nơi

Vỏ quýt dày nhưng chưa có móng tay nhọn

Theo vị đại diện Cục C45, một trong những giải pháp đẩy lùi tín dụng đen là hoạt động điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng. Tuy vậy, ngành công an đang gặp phải không ít vướng mắc, kẽ hở từ các quy định luật pháp.

Một là các cơ quan ban ngành chưa thống nhất được vấn đề xác định lãi suất cho vay trong các hợp đồng vay mượn của các đối tượng với nạn nhân. Ở đó, có rất nhiều hình thức thoả thuận và biến tướng thông qua các hợp đồng không đúng thực tế nên rất khó xác định số tiền đối tượng hưởng lợi bất chính.

Chưa kể, không ít vụ cơ quan điều tra gửi yêu cầu giám định đến Ngân hàng Nhà nước nhưng hồi âm rất lâu, trong khi thời hạn điều tra ngắn, dẫn đến khó khăn cho hoạt động đấu tranh với đối tượng.

Hai là pháp luật chưa có quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Trái lại, mức xử phạt 5 – 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay lãi nặng có cầm cố tài sản chưa đến mức xử lý hình sự lại không đủ mức răn đe.

Ba là khoản 1, Điều 201, Bộ Luật hình sự quy định “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là tội phạm “ít nghiêm trọng”; do đó, khó có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam theo Luật Tố tụng hình sự. Thực tế này cũng gây không ít trở ngại khi điều tra, mở rộng, triệt phá toàn bộ băng nhóm.

Bốn là Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, mới chỉ quy định danh mục cầm đồ, đòi nợ trong khi kinh doanh tài chính, hỗ trợ tài chính, cho vay không cầm cố tài sản, cho vay ngang hàng, vay trực tuyến (ví dụ P2P, Lending, fintech..) lại đứng ngoài danh mục nghị định trên.

Do vậy, các nhóm đối tượng này hoàn toàn đứng bên lề luật pháp nếu hoạt động của họ gắn với tín dụng đen. Lúc đó, lực lượng công an không có vai trò trong việc cấp, rút giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự cũng như kiểm tra xử phạt.

Một lí do nữa là những hành vi đòi nợ thông qua hình thức khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, chất thải, sử dụng mạng xã hội, sim rác nhắn tin đe doạ, làm nhục, hạ uy tín hoặc gây phiền nhiều cho việc kinh doanh của người vay nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì mức phạt còn nhẹ, nên không đủ sức răn đe. Chưa nói theo Nghị định 104/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, lực lượng công an không có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Đây cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho tín dụng đen nhờn với luật pháp.

Một điều đáng buồn nữa, bên cạnh kẽ hở luật pháp, còn có dấu hiệu cán bộ thoái hoá, biến chất trong ngành ngân hàng, công an, kiểm sát, toà án tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, làm cho vấn nạn này ngày càng thêm phức tạp.

“Chúng tôi từng phát hiện ở một số vụ việc như nhân viên ngân hàng tuồn dữ liệu ngân hàng ra ngoài cho tổ chức tín dụng đen khai thác”, ông Tám nói tại hội nghị nêu trên.

Tin mới lên