Ngân hàng

Tín dụng ngoại tệ tăng nhanh, ước đạt 7,3% sau 6 tháng

(VNF) - Tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong tháng, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,3% so cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 giảm 3,5%), chiếm 8,3% tổng tín dụng.

Tín dụng ngoại tệ tăng nhanh, ước đạt 7,3% sau 6 tháng

Tin dụng ngoại tệ nửa đầu năm 2017 tăng tới 7,3%, khác xa mức giảm 3,5% cùng kỳ năm 2016

Tỷ giá chưa chịu áp lực đáng kể

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố tình hình kinh tế tháng 6/2017 và 6 tháng đầu năm 2017, theo đó, tỷ giá USD/VND tại các NHTM và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm.

Cụ thể, tính đến ngày 20/06/2017, tỷ giá NHTM xoay quanh mức 22.726 đồng/USD, giảm 0,17% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do hiện bám khá sát với tỷ giá của các NHTM, giao dịch ở mức 22.735 đồng/USD, giảm 1,65% so với đầu năm.

Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng khoảng 1,2%. Trong khi đó, đồng USD đã mất giá lên đến 5,1% và hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ của Việt Nam đều tăng giá so với USD.

Theo tính toán của UBGSTCQG, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) vẫn mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm. Như vậy, việc Fed tăng lãi suất hai lần trong 6 tháng đầu năm 2017 với những bước điều chỉnh nhỏ hiện chưa gây áp lực đối với tỷ giá.

Tuy nhiên, UBGSTCQG cho rằng, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã ở mức 2,7 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Cùng với xu hướng biến động khó lường đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.

Tín dụng ngoại tệ tăng nhanh

Theo UBGSTCQG, tín dụng tháng 6 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,4%).

Về cơ cấu tín dụng, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn: (i) Ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,9% (cuối năm 2016 là 44,9%); (ii) Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,1% (cuối năm 2016 là 55,1%).

Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định, nhưng tín dụng ngoại tệ tăng nhanh: (i) Tín dụng VND ước tăng 7,7% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 9,7 %), chiếm khoảng 91,6% (không thay đổi so với cùng kỳ 2016); (ii) Tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong tháng, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,3% so cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 giảm 3,5%), chiếm 8,3% tổng tín dụng.

Ngoại tệ TPBank

Tín dụng ngoại tệ tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2017

Thanh khoản ngân hàng dồi dào

Báo cáo của UBGSTCQG nhìn nhận, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở lên dồi dào kể từ sau tháng 5 sau khi có dấu hiệu căng thẳng cục bộ theo chu kỳ đến hết tháng 4.

Tỷ lệ cho vay/ huy động (LDR) ước tính cả hệ thống TCTD là 87%, tăng 1,53 điểm % so với cuối năm 2016. Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10,2%). Trong đó: tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 6,5%, phát hành giấy tờ có giá tăng 12,8% so với cuối năm 2016.

Thanh khoản tiếp tục được hỗ trợ thêm do tiền gửi của kho bạc nhà nước tại các ngân hàng tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm (tính đến cuối T5/2017 tiền gửi của KBNN là 143 nghìn tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm).

Nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định lãi suất

Theo UBGSTCQG, lãi suất liên ngân hàng đã giảm từ 1,7-2,5 điểm % so với cuối tháng 4 (tính đến 28/6/2017), về mức 2,6-3,4%. Tính đến cuối tháng 6/2017, NHNN hút ròng khoảng 11.600 tỷ đồng.

Trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến 20/6/2017, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống tăng khoảng 0,03 điểm % đối với kỳ hạn trên 12 tháng và ổn định ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất cho vay tương đối ổn định.

Sáu tháng cuối năm 2017, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1/1/2018.

Tuy nhiên, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế đó là: (i) Áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn: Lộ trình tăng lãi suất của FED có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều. Đồng USD đã giảm 5,1% và động thái điều hành tỷ giá chủ động của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2017; (ii) Lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội (4%); (iii) việc phát hành TPCP 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, làm giảm áp lực lên lợi suất TPCP, tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất.

Cuối cùng, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD, có hiệu lực ngay từ ngày 15/8/2017.

UBGSTCQG đánh giá,  để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý: với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỷ giá tăng 2-4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7,1% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Đồng thời, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ.

Tin mới lên