Tài chính tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng chưa thể đẩy lùi tín dụng 'đen'

(VNF) - Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nêu một số nguyên nhân khiến tín dụng đen vẫn còn cơ hội phát triển dù ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp.

Tín dụng tiêu dùng chưa thể đẩy lùi tín dụng 'đen'

Tín dụng tiêu dùng chưa thể đẩy lùi tín dụng 'đen' (ảnh minh họa)

Tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Tội phạm tín dụng đen do đó vẫn có cơ hội phát triển do vấn đề từ 2 phía: khách hàng và tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, nguyên nhân từ phía khách hàng là do thiếu năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ.

Ngoài ra, thông tin do khách hàng cung cấp còn thiếu minh bạch, trong khi chế tài về trách nhiệm cung cấp thông tin của khách hàng chưa đầy đủ, việc thu thập thông tin về thu nhập của khách hàng từ các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, bảo hiểm xã hội,.. còn khó khăn.

Khách hàng có nhiều loại giấy tờ cá nhân, hiệu lực không đồng nhất nhưng hiện chưa có cơ sở dữ liệu chuẩn về dân cư, định danh khách hàng và chưa có sự liên thông với hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, một số người vẫn tìm đến “tín dụng đen” do thói quen tiêu dùng hoặc phục vụ nhu cầu không hợp pháp (cờ bạc, lô đề, ma túy,…).

Trong khi đó, nguyên nhân từ phía các tổ chức tín dụng là phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng “tín dụng đen”.

Cùng với đó, chi phí huy động vốn của các công ty tài chính cao hơn hẳn so với các ngân hàng thương mại nên lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn nhiều lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại và lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và chất lượng nợ của các công ty tài chính tiêu dùng. Thêm vào đó, hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Từ góc độ của công ty tài chính tiêu dùng, bà Hồ Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit, đã đề xuất một số nội dung để tăng số lượng người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng an toàn.

Thứ nhất, FE Credit đề nghị NHNN phối hợp cùng các bộ/ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ.

Thứ hai, tích cực vận động tuyên truyền về các cơ chế, chính sách tín dụng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức. Đẩy mạnh giáo dục kiến thức tài chính cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, hỗ trợ và đồng hành cùng người dân hồi phục đời sống kinh tế.

Thứ ba, đại diện FE Credit đề xuất cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn, đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng chính xác hơn.

Thứ tư, phía FE Credit đề xuất phân phân loại tỷ lệ nợ xấu theo định hướng riêng của từng nhóm công ty tài chính với mục tiêu hỗ trợ công tác cung ứng vốn cho người dân hậu Covid-19, đồng thời xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng hạn mức tín dụng), có cơ chế hỗ trợ vốn để các công ty tài chính có thể giảm lãi suất hỗ trợ cho người dân.

Cuối cùng, phía FE Credit cho rằng cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua ứng dụng di động.

Tin mới lên