Tài chính

Tính bỏ thuế đánh vào người giàu, Tổng thống Pháp bị gọi là 'Tổng thống của người giàu'

(VNF) - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị những người chỉ trích gọi là "Tổng thống của người giàu" sau khi chính phủ của ông công bố kế hoạch hủy bỏ thuế đánh vào người giàu (ISF),

Tính bỏ thuế đánh vào người giàu, Tổng thống Pháp bị gọi là 'Tổng thống của người giàu'

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Dự kiến, từ đầu năm 2018, Chính phủ Pháp sẽ bãi bỏ Thuế nhà giàu (ISF), sắc thuế được thi hành từ năm 1982 đến nay. Thuế này quy định những hộ gia đình Pháp có giá trị tài sản trên 1,3 triệu euro sẽ phải đóng thêm thuế dù họ đã bị đánh thuế thu nhập cá nhân.

 Với khoảng 350.000 hộ gia đình được miễn ISF, ngân sách Pháp sẽ mất khoảng hơn 4 tỷ euro /năm.

Thời Tổng thống Francois Hollande của đảng Xã hội đã xem việc áp mức thuế 75% là cách để giới siêu giàu đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đồng thời giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách.

Thuế nhà giàu từng được xem là một biểu tượng công lý xã hội của đảng Xã hội, nhưng nhiều người khác trách Luật đã khiến hàng ngàn triệu phú Pháp bỏ ra nước ngoài sống.

Lý giải về quyết định này, Chính phủ Pháp cho biết, việc bỏ ISF là để thu hút, khuyến khích giới nhà giàu Pháp ở trong nước cũng như hải ngoại đầu tư vào các tài sản có giá trị như bất động sản hoặc rót tiền vào các công cụ tài chính được miễn thuế. 

Cũng vì ISF mà 10.000 người, để tránh bị đánh thuế, đã chạy ra nước ngoài mang theo khối tài sản trị giá 35 tỷ euro.

"Khi một người rời bỏ đất nước, người đó sẽ không đóng bất kỳ một loại thuế nào chứ không chỉ là ISF. Và như vậy, tất cả người dân Pháp phải chịu thiệt", Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Macron kỳ vọng số tiền được miễn thuế đó sẽ được tái đầu tư vào nền kinh tế giúp cải thiện tình trạng tăng trưởng ỳ ạch của kinh tế Pháp.

Tuy nhiên, lập luận của Chính phủ Pháp đang vấp phải sự chỉ trích và ông Emmanuel Macron bị gọi là "Tổng thống của giới nhà giàu".

Những người phản đối thấy bất hợp lý bởi những người được lợi nhiều nhất trong việc cải cách ISF chỉ chiếm 1% dân số Pháp. Liệu có công bằng khi những người tuổi 60 sở hữu một căn hộ cũ sẽ bị đánh thuế nhiều hơn các nhân viên giao dịch chứng khoán trẻ tuổi đi siêu xe Ferrari?

Để xoa dịu sự căng thẳng, Chính phủ Pháp đã đề xuất một khoản thuế thay thế cho ngân sách sắp tới, theo đó sẽ đánh thuế trên các bất động sản. Tuy nhiên, số tiền thu về từ loại thuế này chỉ có 850 triệu euro/năm, con số quá nhỏ so với số tiền 4 tỷ euro thu được từ ISF.

Những người phản đối việc bãi bỏ thuế đánh vào nhà giàu cũng cho rằng, khoản thu từ các đề xuất khác mà chính phủ đưa ra, đánh vào những hàng hóa xa xỉ như du thuyền, chỉ mang tính biểu tượng không hơn không kém.

Bất chấp sự phản đối, Tổng thống Pháp vẫn bảo vệ quan điểm cải cách ISF. Ông Macron nhấn mạnh cấu trúc tài chính Pháp hiện nay không còn ưu việt và cần thay đổi để thu hút nhân tài.

Tin mới lên