Tài chính

Tình hình kinh doanh xấu đi nhanh chóng, cổ phiếu vận tải biển có rơi vào chu kỳ giảm sâu?

(VNF) - SSI cho rằng tình hình thị trường vận tải biển xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.

Tình hình kinh doanh xấu đi nhanh chóng, cổ phiếu vận tải biển có rơi vào chu kỳ giảm sâu?

Tình hình kinh doanh xấu đi nhanh chóng, cổ phiếu ngành vận tải biển có rơi vào chu kỳ giảm sâu?

Giá thuê tàu bất ngờ "lao dốc không phanh"

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trên thị trường quốc tế, giá thuê tàu (với các cỡ tàu khác nhau) đã bất ngờ giảm 30 – 50% chỉ trong vòng 1 tháng, giảm 30 – 60% so với mức đỉnh vào tháng 3/2022. “Đây là hệ quả của nhu cầu yếu trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung tàu mới sẽ tham gia vào thị trường trong hai năm tới (làm tăng 28% tổng trọng tải hiện tại)”, chuyên gia SSI cho biết.

Giá thuê hiện tại vẫn cao hơn 3 – 4 lần so với 2 năm trước, nhưng tốc độ giảm theo đó đã khiến thị trường ngạc nhiên và được dự báo có khả năng giảm sâu hơn trong ngắn hạn.

Cùng với đó, giá cước vận tải giao ngay tiếp tục giảm khi Chỉ số giá cước vận tải container (World Container Index) giảm 28% trong tháng qua, tương đương mức giảm 54% kể từ tháng 2/2022. Theo báo cáo của SSI, nhiều chuyên gia trong ngành đồng ý rằng mùa cao điểm vận tải biển thường thấy hàng năm có khả năng sẽ không xảy ra trong năm nay do hàng tồn kho của nhà bán lẻ ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ở thị trường nội địa, SSI cho biết sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã giảm dần trong những tháng gần đây. Tổng sản lượng container thông qua cảng tăng 17,5% so với cùng kỳ trong tháng 8 và chỉ tăng 2,2% trong 8 tháng đầu năm 2022.

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ đã phục hồi kể từ tháng 8 do mức nền so sánh thấp của năm ngoái, nhưng sản lượng vận tải hàng tháng đang giảm dần”, báo cáo nêu rõ.

SSI tiết lộ, sản lượng xuất khẩu sang thị trường quốc tế (như Mỹ và Châu Âu) tiếp tục giảm trong tháng 9 tại các cảng lớn như Cái Mép và Lạch Huyện. Trong khi đó, vận tải nội địa chịu ảnh hưởng bởi chính sách giãn cách xã hội tại Trung Quốc, đã giảm 2,6% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022. Giá cước vận tải nội địa đã giảm 5 - 10% trong quý III/2022.

“Chúng tôi lưu ý rằng giá cước vận tải nội địa tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp do một số lượng lớn tàu được giữ tại thị trường quốc tế theo các hợp đồng thuê tàu. Chúng tôi dự báo giá cước hiện tại có thể được duy trì trong quý IV/2022 do sản lượng vận tải sẽ cải thiện vào cuối năm”, chuyên gia của SSI cho biết.

Công ty chứng khoán này cho rằng, khi nền kinh tế toàn cầu dường như đang dần hướng tới một cuộc suy thoái, ngành vận tải biển cũng sẽ khó tránh khỏi tác động tiêu cực từ cuộc suy thoái này. Là một ngành điển hình vận động theo chu kỳ, ngành vận tải biển thường bùng nổ khi tăng trưởng nguồn cung chậm hơn so với tăng trưởng nhu cầu và suy thoái khi nguồn cung tàu mới gia nhập thị trường trong khi nhu cầu đột ngột giảm.

Độ biến động của chu kỳ ngành rất lớn bởi chu kỳ đầu tư dài lên đến hai năm để đóng một con tàu mới. Hơn nữa, sự phát triển của lĩnh vực vận tải container theo hướng sử dụng các tàu có kích cỡ lớn hơn và động cơ xanh sạch hơn đã khiến các hãng vận tải liên tục phải đầu tư vào các tàu mới, theo SSI.

Nhìn chung, SSI cho rằng tình hình thị trường vận tải biển xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.

Cổ phiếu ngành vận tải biển có rơi vào chu kỳ giảm sâu?

Trong bối cảnh kém tích cực của ngành vận tải biển cùng với diễn biến tiêu cực của thị trường chung, 2 cổ phiếu của ngành này là TMS (Công ty Cổ phần Transimex) và HAH (Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An) đã giảm mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Cụ thể, cổ phiếu HAH sau khi tăng nóng vào đầu tháng 5 và đầu tháng 6 với mức giá lần lượt là 87.500 đồng/cổ phiếu (phiên 6/5/2022) và 90.000 đồng/cổ phiếu (phiên 3/6/2022) đã tụt xuống vùng giá 42.100 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 29/9/2022).

So với mức đỉnh 90.000 đồng/cổ phiếu, thị giá của cổ phiếu HAH đã “bốc hơi” khoảng hơn 53% giá trị. Riêng trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu đã giảm khoảng 34,7%.

Với TMS, cổ phiếu này tăng nóng vào giai đoạn cuối tháng 3 khi có 6 phiên tăng liên tiếp, bao gồm 2 phiên tăng trần từ ngày 17/3/2022 – 24/3/2022. Ghi nhận tại phiên 30/3/2022, TMS đạt mức giá 122.500 đồng/cổ phiếu.

Sau khi “lình xình” quanh mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu, TMS đã dần dần rơi xuống mức giá 63.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 29/9), mất khoảng 48,6% giá trị so với mức đỉnh và giảm 13,7% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Cũng trong chiều đi xuống, trong khi HAH và TMS đã mất đến hàng chục phần trăm thị giá, các cổ phiếu khác của ngành cảng và vận tải biển mới chỉ sụt giảm ở mức vài phần trăm. Chẳng hạn như với "ông lớn" trong ngành này là Công ty Cổ phần Gemadept (HoSE: GMD), trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu GMD giảm khoảng 6,8%, từ 50.800 đồng (giá đóng cửa phiên 31/8/2022) về còn 47.350 đồng/cổ phiếu (phiên 29/9/2022). 

Cổ phiếu VSC của Công ty Cổ phần Container Việt Nam (HoSE: VSC) cũng mất 5,7% giá trị kể từ ngày 31/8/2022 đến nay, trong đó riêng phiên hôm nay (29/9/2022) đã giảm gần 4,3%. 

Cổ phiếu của 2 công ty cảng là Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) và Công ty Cổ phần Cảng Đình Vũ (HoSE: DVP) lần lượt giảm 5,5% và 2,3% trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Tuy nhiên, với triển vọng không mấy sáng của ngành, không ngoại trừ khả năng HAH và TMS chỉ là 2 cổ phiếu mở màn cho chu kỳ giảm sâu của các cổ phiếu ngành cảng và vận tải biển. 

Tin mới lên