Tiêu điểm

Tình huống hy hữu doanh nghiệp 'ghi nhầm' vốn tỷ USD và bài học về Luật Doanh nghiệp

Tình huống hy hữu doanh nghiệp ghi nhầm vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 USD và những lo ngại về sự dễ dàng của thủ tục đăng ký doanh nghiệp đang cho thấy những công cụ giám sát doanh nghiệp của bên thứ ba theo Luật Doanh nghiệp có vẻ chưa thành thói quen bắt buộc trong kinh doanh.

Tình huống hy hữu doanh nghiệp 'ghi nhầm' vốn tỷ USD và bài học về Luật Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lên tới 6,3 tỷ USD gây xôn xao suốt tuần qua đã khép lại.

Quyền và trách nhiệm người thành lập doanh nghiệp

Cho tới điểm này, trường hợp doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lên tới 6,3 tỷ USD gây xôn xao suốt tuần qua đã khép lại. Sẽ không có một siêu doanh nghiệp mới nào xuất hiện bất ngờ vì người đăng ký chia sẻ là đi ghi nhầm và sẽ làm thủ tục giải thể.

Nhưng các câu chuyện, thắc mắc xung quanh tình huống hy hữu này chưa dừng lại. Thậm chí, đang có câu hỏi phải chăng doanh nghiệp ra đời quá dễ dàng là nguyên do của các vụ lừa lọc, làm ăn phi pháp...

“Đó là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, nhìn ở góc độ quyền kinh doanh của người dân. Người dân được quyền làm những gì pháp luật không cấm và chịu trách nhiệm trước pháp luật các hành vi của mình”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ quan điểm.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh là thủ tục hành chính đầu tiên mà doanh nghiệp phải thực hiện khi tiến hành các hoạt động kinh doanh. Nói một cách dễ hiểu, giấy đăng ký kinh doanh được coi là giấy khai sinh của một doanh nghiệp.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cũng được giản thiểu tối đa, loại bỏ các giấy tờ mang tính tiền kiểm như chứng chỉ hành nghề; không phải ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được quyền lựa chọn về hình thức và số lượng con dấu...

Doanh nghiệp có trách nhiệm chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

Luật Doanh nghiệp cũng quy định nếu nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các vi phạm khác sẽ được xử lý theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Bài học cho các bên liên quan

Nếu không bị xới tung, doanh nghiệp tỷ đô vốn điều lệ có thể là nguồn cơn cho các vụ lừa đảo, doanh nghiệp ma...

Thậm chí, có vị chuyên gia kinh tế cho rằng, cần siết chặt việc kê khai vốn ngay từ đầu. Bởi việc kê khai dễ dàng này khiến tình trạng lừa đảo, phá sản, kinh doanh bết bát phổ biến. Ông này cũng lo nếu các doanh nghiệp khai khống vốn không được giám sát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra lừa đảo đối tác, vay vốn ngân hàng dẫn đến nợ xấu. “Trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước”, vị chuyên gia nói.

Trong giới luật sư, cũng có người lo ngại việc doanh nghiệp có thể “trưng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số vốn điều lệ lớn để lừa đảo...” hoặc “nếu để sau 90 ngày mới biết doanh nghiệp có nộp đủ vốn điều lệ theo cam kết không thì doanh nghiệp đã kịp lừa đảo xong”...

Câu hỏi là, nếu việc xác nhận vốn điều lệ được cơ quan quản lý nhà nước nào đó đứng ra thực hiện, có giải được mối lo ngại doanh nghiệp sẽ không lừa đảo hay không, có đảm bảo doanh nghiệp không đóng cửa, phá sản không?

Phải nói ngay, các ý kiến này đều đã được quy định từ trước khi Luật Doanh nghiệp 1999 được thông qua. Khi đó, doanh nghiệp muốn kinh doanh phải được cơ quan quản lý nhà nước cho phép mới được làm. Việc cho phép thông qua các văn bản xét duyệt, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp.

Nhưng khi đó, doanh nghiệp ra đời khó khăn, nhưng không đảm bảo được tất cả đều làm ăn đúng theo pháp luật.

“Thông tin về đăng ký kinh doanh, các lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ngân hàng, đối tác hay bất cứ bên thứ ba nào cũng có thể kiểm tra tính pháp lý của các thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; phải nắm rõ quy định của pháp luật về việc doanh nghiệp chỉ được bắt đầu kinh doanh sau khi hoàn thành nghĩa vụ về góp vốn điều lệ, các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh... để xác định đối tác của mình có đủ cơ sở pháp lý để hoạt động không”, vị chuyên gia phân tích.

Trên thực tế, các quyết định cho vay của ngân hàng cũng như các quyết định hợp tác làm ăn được dựa trên đánh giá độc lập của chính ngân hàng, đối tác đó về doanh nghiệp, năng lực thực tế của doanh nghiệp qua nhiều nguồn, trong đó nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là một nguồn... 

Những tranh cãi tương tự cũng từng xảy ra khi Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép bỏ yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh, chính thức loại bỏ tội kinh doanh trái phép; cho doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thói quen coi con dấu là pháp lý, thay vì chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp khiến nhiều người cho rằng, nếu không có quản lý nhà nước về con dấu doanh nghiệp, như trước kia là Bộ Công An, thì sẽ xảy ra tình trạng lừa đảo...

Thời điểm này, cũng đang có đề nghị bỏ hẳn quy định về con dấu doanh nghiệp khi thói quen coi trọng dấu đỏ đã bắt đầu thay đổi. Khi đó, con dấu doanh nghiệp gần như mang ý nghĩa nhận diện là chính và các đối tác, khách hàng, chủ nợ... buộc phải có thói quen sử dụng các công cụ kiểm tra tính pháp lý của các thông tin về doanh nghiệp thông qua Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia cũng như các nguồn thông tin khác trước khi bắt tay vào làm ăn.

Như vậy, với các công cụ quản lý nhà nước theo cơ chế hậu kiểm, Nhà nước chỉ là một bên, chứ không phải là cơ quan duy nhất trong việc theo dõi và giám sát doanh nghiệp. Các bên có liên quan như chủ nợ, đối tác, khách hàng, các cổ đông, những người quản lý... cũng có trách nhiệm giám sát doanh nghiệp đó.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cung cấp trực tuyến nhiều loại thông tin về doanh nghiệp, như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thông tin lịch sử doanh nghiệp trong 03 năm, báo cáo tổng hợp về người thành lập, quản lý doanh nghiệp trong 3 năm... cũng như thông tin về vi phạm của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Các sản phẩm dịch vụ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận và quản lý khách hàng tốt hơn, mở rộng thị trường, tìm hiểu định hướng, xu hướng kinh tế thị trường, hạn chế các rủi ro trong giao dịch thương mại, dân sự, tổng hợp báo cáo... đồng thời, nâng cao sự giám sát của toàn xã hội đối với cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tin mới lên