Tài chính

Tisco thoi thóp chờ ngày phán quyết

Không có bất cứ câu hỏi nào được đặt ra, không có bất cứ cánh tay nào giơ lên muốn được phát biểu khi tới phần hỏi - đáp tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) diễn ra mới đây.

Tisco thoi thóp chờ ngày phán quyết

Tisco đang ở trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đến hạn.

Ám ảnh phá sản

Trong tài liệu công khai dành cho cổ đông cũng như được đọc tại Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo Tisco cho biết, đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu, nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.

Vốn điều lệ của Tisco tới cuối năm 2018 là gần 1.937 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm 82% cơ cấu vốn. Vốn chủ sở hữu chỉ còn chiếm 18% tổng nguồn vốn, được đánh giá là tỷ lệ thấp, thấp hơn năm 2017, gây mất cân đối tài chính cho doanh nghiệp này.

Tisco đang ở trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đến hạn.

Kết thúc năm 2018, tổng các khoản nợ xấu của Công ty là 851,962 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi là 393,332 tỷ đồng cũng được Ban Kiểm soát cho là cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc thu các khoản nợ để ổn định tài chính, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Khó khăn hiện hữu của Tisco trên thực tế xuất phát từ Dự án Mở rộng giai đoạn II đang đầu tư dang dở, còn hoạt động của Công ty trong nhiệm kỳ 2014 - 2018 vẫn mang lại kết quả tốt, thậm chí, lợi nhuận thu được trong giai đoạn này còn bù đắp được số lỗ 161 tỷ đồng của năm 2013 và lãi 155 tỷ đồng sau thuế.

Cụ thể, sản lượng thép cán sản xuất giai đoạn 2014 - 2018 đạt 3,55 triệu tấn và đã tiêu thụ 3,48 triệu tấn. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 449 tỷ đồng và nộp ngân sách 1.700 tỷ đồng. Toàn Tisco tới hết năm 2018 có 4.417 người, với mức thu nhập bình quân là 8,48 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, cái nôi của ngành thép Việt Nam cũng đứng trước những thách thức lớn khi máy móc, thiết bị đang vận hành của Tisco đã cũ, xuống cấp, công nghệ lạc hậu so với các đơn vị có cùng mô hình sản xuất, dẫn tới năng suất thấp.

Đơn cử, khâu sản xuất gang vẫn đang sử dụng 2 lò cao cũ công nghệ từ những năm 60 của thế kỷ trước, dung tích 100 m3 và 120 m3 với tiêu hao 600 - 650 kg coke/tấn gang, trong khi các công ty đang dùng lò cao 500 m3, thiết bị mới và hiện đại chỉ dùng 300 - 350 kg coke/tấn gang.

Trong khâu luyện thép, công nghệ lò điện hồ quang đang sử dụng giúp giá thành phôi thép của Tisco thấp hơn so với các đơn vị cùng công nghệ, nhưng lại cao hơn nhiều so với giá thành phôi thép sản xuất từ công nghệ lò cao - lò thổi của các doanh nghiệp khác như Hòa Phát, Gang thép Cao Bằng, Gang thép Tuyên Quang.

Còn tại khâu cán thép, Tisco có 3 nhà máy với công suất 1 triệu tấn/năm, gồm 2 nhà máy được đầu tư mới với công nghệ hiện đại của Danieli, nhưng hiện vẫn chưa phát huy được công suất do nguồn phôi tự sản xuất chỉ đáp ứng được 50%. Với việc Dự án Mở rộng giai đoạn II chậm tiến độ, nên 50% phôi phải mua ngoài phục vụ sản xuất.

Thoi thóp chờ hướng giải quyết

Đổi mới là tất yếu, nhưng Tisco lại đang gặp phải vướng mắc lớn bởi Dự án Mở rộng giai đoạn II đã dừng triển khai từ giữa năm 2013 tới nay, khi chưa hoàn thành đầu tư với nhiều tồn tại, vướng mắc chưa nhìn thấy lối ra. Dự án dù đang do nhà thầu nước ngoài triển khai và chưa bàn giao cho phía chủ đầu tư, nhưng lại đang phải tạm dừng để chờ ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về nhiều vấn đề mà chủ đầu tư không thể toàn quyền quyết định do Nhà nước đang nắm tới 65% vốn điều lệ.

Từ năm 2011, Tisco đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của Dự án cho các ngân hàng. Tới thời điểm đầu tháng 6/2018, Tisco đã trả gốc và lãi tới 1.313 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi cho Dự án là 1.531 tỷ đồng, khiến Tisco phải vay thêm vốn để bù đắp vốn lưu động, đảm bảo sản xuất - kinh doanh của phần còn lại, khiến chi phí tài chính tăng cao.

Tại thời điểm năm 2017, tổng giá trị tài sản dài hạn của Tisco là 6.178 tỷ đồng, trong đó có 4.851 tỷ đồng (chiếm 78,5%) là phần xây dựng dở dang thuộc Dự án Mở rộng giai đoạn II, nhưng không tham gia sản xuất - kinh doanh, khiến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp giảm mạnh.

Điều này khiến sản xuất - kinh doanh của Công ty từ năm 2017 đến nay giảm sút, nhất là lợi nhuận. Hiện thị phần của Tisco đã giảm từ 18% vào năm 2013 xuống còn 14,2% trong năm 2018.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tisco cho hay, bên cạnh việc đàm phán với nhà thầu để xử lý vướng mắc nhằm triển khai tiếp Dự án, ước tính cần khoảng 100 triệu USD và thời gian 18 - 20 tháng để hoàn thiện toàn bộ Dự án Mở rộng giai đoạn II mở rộng theo đúng yêu cầu đặt ra theo các căn cứ pháp lý hiện hành với doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn đang chiếm cổ phần chi phối.

Trao đổi về khả năng đưa Dự án Mở rộng giai đoạn II vào vận hành, đại diện Công ty Thái Hưng - cổ đông đang nắm 20% vốn điều lệ tại Tisco từ tháng 5/2017 cũng cho biết, để hoàn thiện toàn bộ nhà máy sẽ cần khoảng 20 tháng, nhưng nếu vào vào tay tư nhân, họ sẽ lựa chọn công đoạn hiệu quả nhất để tập trung đầu tư cho ra sản phẩm ban đầu như gang lỏng, sau đó lấy doanh thu khâu này bù vào khâu khác và đầu tư cuốn chiếu để hoàn tất toàn bộ Dự án với thời gian ngắn hơn. “Cần khoảng 10 tháng và bỏ thêm 700 tỷ đồng ban đầu để đưa Dự án Mở rộng giai đoạn II đi vào hoạt động”, vị này nói.

Xem thêm >> AirAsia lần thứ 3 hủy kế hoạch thâm nhập thị trường hàng không Việt Nam

Tin mới lên