Tài chính quốc tế

Tơ lụa đạo có là lối trổ cho "trật tự Trung Hoa"?

(VNF) - "Tơ lụa đạo" (SREB - Silk Road Economic Belt), viết tắt của đại dự án "Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa" được Trung Quốc công bố chính thức 3 năm nay. Mặc dù đại công trình đã đi vào triển khai nhưng các chuyên gia quốc tế vẫn đang mải miết tìm lời giải đáp: SREB là dự án kinh tế-thương mại hay chính trị-an ninh? Thậm chí dư luận còn hướng tới một viễn kiến khác: Phải chăng đây là cách thế giới sẽ về "chầu" Trung Quốc trong nay mai?

Tơ lụa đạo có là lối trổ cho "trật tự Trung Hoa"?

Ảnh tư liệu minh họa

Từ năm 2013, dự án "Con đường Tơ lụa mới" (NSR) của Trung Quốc đã từng bước được hình thành với mục tiêu không hề che đậy của Bắc Kinh là nâng tổng trao đổi mậu dịch của các bên liên quan đang từ 400 tỷ USD năm 2012 lên thành 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc đã không để lãng phí thời gian, bắt tay ngay vào việc xây dựng đường cao tốc 213 cây số, nối liền thành phố Kashgar (Tân Cương) với Erkeshtam (Kirghizistan).

Tổng chi phí dự án lên tới 630 triệu USD. Con đường cao tốc này sau đó sẽ mở rộng ra tiếp sang tận Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Song song với dự án đường cao tốc đó, Bắc Kinh còn phát triển hai đề án khác, cũng để mở cửa cho Trung Quốc đến gần với châu Âu. Lộ trình thứ nhất xuyên ngang Kazakhstan và Nga, trong khi lộ trình thứ hai dự trù hướng tới Kazakhstan nhưng xuyên qua biển Caspi.

Công khai & ngấm ngầm

Theo nhiều chuyên gia, SREB có bốn mục tiêu công khai được ông Tập Cận Bình từng tuyên bố, rồi khóa họp mới đây nhất của Quốc hội Trung Quốc vừa xác nhận. Đó là: 1) Tự do chuyển dịch tài hóa và cải thiện việc sung dụng tài nguyên; 2) Phối hợp và hội nhập chính sách kinh tế với các nước; 3) Tăng cường mạng lưới kết nối Âu-Á-Phi và các mặt biển phụ cận; và 4) Khai thác tiềm năng của thị trường, khuyến khích đầu tư và tạo ra việc làm.

Bắc Kinh muốn lôi kéo các nước châu Á cùng tham gia thực hiện các dự án này để tiến tới mục tiêu ngàn tỷ USD/năm. Còn các mục tiêu ngầm của Bắc Kinh thì thực sự là: 1) Mở rộng ảnh hưởng của đồng bạc Trung Quốc trong luồng giao dịch và đầu tư với các nước châu Á; 2) Sâu xa hơn là mục tiêu tăng cường sức mạnh kinh tế với các nước đối tác;

3) Kế đến là dùng quyền lợi kinh tế mua chuộc các nước để hợp thức hóa sự xuất hiện của Trung Quốc như một cường quốc hải dương, trong đó có cả việc hợp thức hóa hành vi chiếm đóng của Trung Quốc ngoài Đông Hải và Biển Đông và 4) Đẩy lui ảnh hưởng của Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ.

Các mục tiêu công khai và mục tiêu ngấm ngầm nói trên được gói gọn trong khái niệm 4 chữ "Nhất Đới Nhất Lộ". "Đới" là vành đai, ở đây là "đạo vận" tức vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh miền Tây. SREB sẽ đi qua Trung Á, Nam Á, tới Tây Á, Trung Đông và châu Âu.

Còn "Lộ" là "thủy vận" tức vận chuyển bằng đường thủy, từ các hải cảng Trung Quốc đến Indonesia quần đảo, qua Ấn Độ Dương tới Hồng Hải và Trung Đông. Khái niệm ấy được chuyển thành tên gọi chính thức của dự án là "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa".

SREB giải quyết yêu cầu sinh tử là phát triển hạ tầng cơ sở cho các tỉnh bị khóa trong lục địa của Trung Quốc mà không có đường thông thương ra ngoài nên là khu vực lạc hậu nhất. Các tỉnh đó là Tân Cương, Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam và Quảng Tây.

Bắc Kinh trù tính sẽ nối kết "Con đường Tơ lụa trên đất liền" (NSR) với con đường ở ngoài biển (MSR). Trung Quốc sẽ khai thông khu vực lạc hậu bên trong, mở qua Tây Vực và Trung Á để tiến tới Trung Đông và Âu Châu, xuống tận Đông Phi.

Chúng ta cần nhận thức được "nhiều trong một" thì mới hiểu ra sự thể. Bắc Kinh nói đến 40 tỷ USD cho "Con đường Tơ lụa", thật ra trù tính nhiều hơn vậy. Trước hết là khoảng 100 tỷ USD cho hơn 50 dự án bên trong lãnh thổ Trung Quốc để giải quyết nạn thất quân bình nội bộ của họ.

Bên ngoài lãnh thổ thì có ít ra một chục dự án công tư hỗn hợp và liên doanh giữa song phương hay đa phương với 11 quốc gia khác. Các dự án này gồm có bốn hải cảng, ba thiết lộ, hai ống dẫn khí và một xa lộ, đều là dự án có tính chất chiến lược, cả về kinh tế lẫn an ninh.

Đầu tư các dự an quy mô này, Bắc Kinh đã dự chi ngân sách trị giá hơn 240 tỷ USD của mình trong những năm sắp tới, chưa kể 100 tỷ của tân Ngân hàng Phát triển BRICS và 100 tỷ của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) đang được thành lập với sự tham gia của 57 quốc gia.

"Trật tự Sinica"

SREB quả thực là đại dự án nhằm nhiều mục tiêu. Thiết kế xuyên suốt chính là để thay thế trật tự hiện hành do Mỹ chi phối (Pax Americana) bằng trật tự Trung Hoa (Pax Sinica). Bởi vì sự ra đời hành lang kinh tế xuyên lục địa theo kế hoạch của Bắc Kinh có thể làm thay đổi bối cảnh toàn cầu, chuyển dịch trọng tâm địa-chiến lược và thương mại tới các vùng đất rộng lớn Á-Âu từ các vùng biển bao quanh Trung Quốc và giảm ưu thế vượt trội về mọi mặt, mà đặc biệt là về hải quân của Mỹ.

"Trung Hoa mộng" thực chất là thừa nhận công khai của lãnh đạo Bắc kinh là sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Đây là nội dung chủ đạo từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước cuối năm 2012.

Ý tưởng chính là khôi phục sự vĩ đại về ảnh hưởng của Trung Quốc trước thế kỷ 19 nhằm biến nước này trở thành một "quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh, văn hóa tiên tiến và hài hòa". Đề xuất để làm hồi sinh một tuyến đường thương mại vĩ đại mà hai nghìn năm trước đây đã từng là cầu nối các nền văn hóa Đông-Tây trên khắp lục địa Á-Âu có thể giúp thực hiện mục tiêu này.

Cặp sáng kiến "đúp" NSR&MSR là một đại chiến lược phản ánh tham vọng của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập cận Bình. Đây còn là kế hoạch nhằm "trả đũa" chiến lược "xoay trục" của Mỹ, cũng như để đối trọng với các Hiệp định TPP và TTIP nhằm giành quyền chủ đạo chính sách và xác định luật chơi cho thế kỷ 21.

Trong tương lai gần, SREB được dự báo sẽ vượt xa hơn "con bài" đối trọng với "xoay trục". Đối với tình hình Biển Đông, sáng kiến này sẽ vô hiệu hóa một phần yêu sách chủ quyền biển đảo của các nước trong khu vực và tạo điều kiện để Trung Quốc mở rộng sự hiện diện hải quân/hàng hải trên các vùng biển đảo hiện Bắc Kinh đang chiếm đóng, gây tranh chấp.

Như vậy, đủ thấy kinh tế không còn là động lực duy nhất của SREB. Trên hết và trước hết, với NSR&MSR, Bắc Kinh muốn ngăn chận ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á, để trở thành trung tâm của một thị trường với khoảng 3 tỷ dân bao phủ lên các vùng từ Đông Nam Á đến Ấn Độ, sang cả Tây Á và châu Phi.

Những năm gần đây, Trung Quôc từng dùng sức mạnh tài chính để gây ảnh hưởng ra các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á nhưng đã không đạt được thành công như họ tham vọng. Những ý đồ công khai và ngấm ngầm của họ ở Venezuela và Miến Điện đã hoàn toàn thất bại.

Giờ đây, với "Tơ lụa đạo", Trung Quốc đang tiến hành một cách tiếp cận mới. Bây giờ là lúc không chỉ công bố các biện pháp chiến lược cụ thể, Bắc Kinh còn kiến tạo ra các định chế có tính chất đa quốc gia, để các nước cùng hùn hạp với họ mà chia sẻ những rủi ro. Ngoài chia sẻ rủi ro, các nước khác có thể đóng góp những vấn đề về kỹ thuật với chất lượng cao để thực hiện những dự án hạ tầng cơ sở.

Trung Quốc không dừng lại ở châu Á, về chiến lược, Trung Quốc muốn khẳng định vai trò trung tâm địa chính trị-kinh tế toàn cầu của mình. Tham gia với Trung Quốc vào SREB sẽ được lợi gì và trước mắt Bắc Kinh đang dùng những lá bài nào để chiêu dụ các quốc gia từ Á sang Âu tham gia vào dự án này, đang là sự quan tâm chung của nhiều quốc gia lớn nhỏ hiện nay.

Phản ứng từ Mỹ và ASEAN

Khả năng sẽ có một hệ thống toàn diện liên kết Trung Quốc với châu Âu thông qua các nước ở khu vực Trung Á, Nam Á và Đông Âu. Nếu hoàn thành, MSR&NSR có thể là một ác mộng đối với Mỹ: Trung Quốc có nguồn vốn và thị trường, Nga có năng lượng, Đức có công nghệ.

Sự hợp tác giữa ba nước lớn này được đánh giá là sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế và vị thế quốc tế của Mỹ. Đối với các chiến lược gia Mỹ, phải chăng rồi đây một thế giới của riêng Trung Quốc sẽ xuất hiện sau NSR&MSR?

Tuy nhiên, cũng có những đánh giá thận trọng hơn: "Tơ lụa đạo" năm xưa là con đường buôn bán và trao đổi văn hóa; SREB ngày nay dù mỹ miều hóa cái tên năm xưa nhưng là con đường của nguy cơ bành trướng, tranh giành biển đảo và tài nguyên của các nước chung quanh. Vì vậy, SREB dứt khoát sẽ gặp trở ngại.

Quay lại với Đông Nam Á, một nhà báo Malaysia làm việc tại Bắc Kinh, nhận định, Malaysia có tới 40% dân số là người Hoa, có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc, nhưng Malaysia cần xuất khẩu sang Trung Quốc và mua hàng hóa của nước này.

Vì vậy, Kuala Lumpur đã đặc biệt tỏ ra kín tiếng trên hồ sơ Biển Đông. Singapore, nơi cũng có tới 65% dân cư là người Hoa, cho nên từ rất nhiều năm qua, đảng cầm quyền đã luôn "khéo léo đi dây trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ". Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã ký các hiệp định quan hệ đối tác với Bắc Kinh.

Một số nước ASEAN đã hoan nghênh các ý tưởng về "tơ lụa đạo" khi các quốc gia ASEAN đang phấn đấu hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Singapore lo lắng vì Malaysia (và có thể cả Thái Lan lẫn Indonesia) đã đồng ý gia nhập SREB. Các hải cảng của Malaysia cũng như khu vực chung quanh Kuala Lumpur nếu được xây dựng thì dĩ nhiên sẽ cạnh tranh với Singapore.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới là điều hiển nhiên. Nếu gắn quá nhiều chính trị vào kinh tế thì khó có thể tận dụng được sự tùy thuộc lẫn nhau trong quá trình phát triển. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần khôn khéo để tận dụng những lợi thế của mối quan hệ của Trung Quốc với khu vực.

Tuy nhiên, có một thực tế là xưa nay Bắc Kinh làm các dự án hạ tầng đều lỗ. Lý do với bên trong là vì các chính quyền địa phương vay tiền làm ẩu. Với bên ngoài là do các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thường làm ẩu, tiêu chuẩn an toàn thấp và rủi ro tín dụng cao, nên 90% là mất tiền.

Từ 2005 đến 2014 đã có ít nhất 130 dự án thất bại, mất cỡ 200 tỷ USD, bằng một phần ba của tổng số đầu tư ra ngoài. Cũng vì vậy, Bắc Kinh cần sự góp sức của các xứ khác để chia sẻ rủi ro và nâng cao khả năng quán lý dự án. Nhưng rủi ro vẫn còn đó, vì khi có nhà nước là lại có nạn "ỷ thế làm liều", thuật ngữ bảo hiểm và kinh tế gọi là "moral hazard".

Và thật ra là nhiều quốc gia có liên quan cũng đang e ngại "âm mưu bành trướng" từ đại dự án này nên chưa chắc đã sẵn lòng và hoan hỉ đón nhận "dải lụa" này để choàng lên cổ!

Tin mới lên