Công nghệ

'Tốc độ phát triển khách hàng mới của Mobile Money có xu hướng giảm dần'

(VNF) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ phát triển khách hàng mới của dịch vụ Mobile Money có xu hướng giảm dần qua các tháng do hiệu ứng từ các chương trình truyền thông, khuyến mại tại thời điểm ra mắt dịch vụ và dịp Tết Nguyên Đán có dấu hiệu chững lại so với giai đoạn đầu triển khai.

'Tốc độ phát triển khách hàng mới của Mobile Money có xu hướng giảm dần'

Đã có 2.186.004 khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Theo dự thảo báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước quý III/2022 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý IV/2022 mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố, sau 8 tháng triển khai, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 2.186.004 khách hàng, tăng 11,6% so với tháng 7/2022; trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 1.502.449 khách hàng, chiếm 69%.

Mặc dù vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tốc độ phát triển khách hàng mới có xu hướng giảm dần qua các tháng do hiệu ứng từ các chương trình truyền thông, khuyến mại tại thời điểm ra mắt dịch vụ và dịp Tết Nguyên Đán có dấu hiệu chững lại so với giai đoạn đầu triển khai.

Cũng theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông thuê bao băng rộng cố định của cả nước ước đạt 20,73 triệu thuê bao (21,04 thuê bao/100 dân) tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng ổn định 0,5-1%/tháng; ước đến cuối năm 2022 đạt 21,7 triệu thuê bao; tương đương 22 thuê bao /100 dân; đạt kế hoạch năm 2022.

Thuê bao băng rộng di động tại Việt Nam cũng đạt 81,8 triệu (83 TB/100 dân) tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu giữ tốc độ tăng trưởng trung bình 0,9% của 9 tháng đầu năm 2022 thì đến cuối năm 2022 đạt mục tiêu đặt ra.

"Thuê bao di động sau một thời gian chững lại do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đến nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, kinh tế đang dần phục hồi, thuê bao di động bắt đầu chu kỳ tăng mới (0,6%/tháng)", báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Cũng theo dự thảo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, uớc tính đến hết tháng 9/2022, doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 2,55 triệu tỷ đồng ( tương đương 109,5 tỷ USD) tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó phần cứng, điện tử 2,27 triệu tỷ đồng (97 tỷ USD), chiếm gần 90% tổng doanh thu.

Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử đạt 90,7 tỷ USD (tăng 13% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, xuất khẩu phần cứng, điện tử từ doanh nghiệp FDI chiếm đến 90%; giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt 43,1 tỷ USD (tăng trưởng 17,9%); giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt 43,3  tỷ USD (tăng trưởng 5,6%).

Tin mới lên