Học thuật

Tổng cầu là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Tổng cầu (aggregate demand - AD) là gì?

Tổng cầu là gì?

Tổng cầu (aggregate demand - AD) là khái niệm trong kinh tế vĩ mô dùng để chỉ tổng số nhu cầu trong nền kinh tế về hàng hóa và dịch vụ cuối cùng sản xuất trong nước.

Tổng cầu (aggregate demand - AD) là khái niệm trong kinh tế vĩ mô dùng để chỉ tổng số nhu cầu trong nền kinh tế về hàng hóa và dịch vụ cuối cùng sản xuất trong nước. Nếu ký hiệu AD là tổng cầu, C là tổng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của hộ gia đình, I là tổng nhu cầu về nhà ở và hàng đầu tư của các doanh nghiệp, G là tổng nhu cầu mua hàng của chính phủ, X là tổng nhu cầu của người nước ngoài về hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước và M là tổng nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong nước về hàng nhập khẩu, chúng ta  có thể viết :

AD=C+I+G+X-M

Hoặc

 AD= C+I+G+NX

Trong công thức trên, C, I, G, NX được coi là 4 thành tố của tổng cầu. Vì thành tố xuất khẩu ròng (NX) bằng xuất khẩu trừ nhập khẩu (X-M), nên AD tăng khi nhu cầu về hàng xuất khẩu tăng và nhu cầu về hàng nhập khẩu giảm.

trong mô hình kinh tế, người ta thường phân biệt giữa tổng cầu danh nghĩa và thực tế. Tổng cầu danh nghĩa là tổng nhu cầu tính bằng giá hiện hành, còn tổng cầu thực tế là tổng cầu tính bằng giá không đổi (cố định). Trong mô hình xác định sản lượng cân bằng và mô hình tổng cung - tổng cầu (AS-AD), tổng cầu và các thành tố của nó được tính bằng giá cố định.

Một số thành tố của tổng cầu tương đối ổn định, nghĩa là chỉ thay đổi sau một thời gian dài, ví dụ tiêu dùng (C), trong khi một số thành tố khác có thể biến động rất mạnh, gây ra sự biến động thường xuyên trong quy mô hoạt động kinh tế, ví dụ đầu tư (I).

Tổng cầu tác động qua lại với tổng cung để xác định mức sản lượng và thu nhập quốc dân cân bằng. Chính phủ có thể ổn định quy mô hoạt động kinh tế bằng cách sử dụng các chính sách kinh tế vĩ mô, ví dụ chính sách tiền tệ, để ổn định tổng cầu. Những chính sách như vậy được gọi là chính sách quản lý cầu.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

 

Tin mới lên