Nhân vật

Tổng cục Đường bộ chia đôi, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện xin nghỉ hưu sớm

(VNF) - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện có đơn xin nghỉ hưu sớm hơn 1 tháng so với quy định vì lý do sức khỏe.

Tổng cục Đường bộ chia đôi, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện xin nghỉ hưu sớm

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện xin nghỉ hưu sớm.

Ngày 30/8, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức lễ trao quyết định quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/9/2022, thay ông Nguyễn Văn Huyện.

Ông Cường sinh ngày 16/8/1970 tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Cường có trình độ tiến sỹ kinh tế học, thạc sỹ kinh tế, cử nhân kinh tế lao động, kỹ sư cầu đường, cao cấp lý luận chính trị và có 11 năm giữ chức phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định về việc nghỉ hưu theo chế độ đối với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/10/2022. Tuy nhiên, ông Huyện đã có đơn xin nghỉ hưu sớm hơn 1 tháng so với quy định vì lý do sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Huyện sinh ngày 20/3/1962. Ông Huyện được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1/6/2014. Trước khi giữ chức vụ này, ông Huyện lần lượt giữ chức vụ chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4, chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải.

Mới đây, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đã ký Nghị định số 56 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải.

Đáng chú ý, theo Nghị định số 56, Bộ Giao thông Vận tải sẽ không còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thay vào đó là 2 Cục: Đường bộ Việt Nam và Đường cao tốc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ là người quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.

Theo đề án Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam được xác định là tổ chức thực hiện chức năng tham mưu, quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác các dự án đường bộ cao tốc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.

Cục Đường bộ sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209km do nhà nước đầu tư; 245km theo hình thức BOT và khoảng 773km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư.

Với Cục Đường cao tốc, tổ chức này sẽ có thể là đơn vị khai thác (tổ chức thu phí) một số tuyến đường cao tốc xây dựng bằng hình thức đầu tư công; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật...

Nghị định số 56 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.

Tin mới lên