Tiêu điểm

Tổng cục Hải quan ‘xin tội’ cho ‘người nhà’ dính đại án Dương Chí Dũng

(VNF) - Tổng Cục Hải quan vừa có văn bản gửi lên Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao để chuyển lá đơn kêu cứu của hai cán bộ hải quan phạm tội trong đại án Dương Chí Dũng.

Tổng cục Hải quan ‘xin tội’ cho ‘người nhà’ dính đại án Dương Chí Dũng

Ụ nổi 83M được mua với giá 9 triệu USD nhưng được bán sắt vụn với giá 38,5 tỷ đồng

Hai cán bộ hải quan kêu cứu là ông Lê Văn Lừng và ông Lê Ngọc Triện, nguyên là cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Trong đại án Dương Chí Dũng, ông Lừng và ông Triện đã giúp sức để ụ nổi 83M được thông quan, trong khi ụ nổi này chưa được đăng kí và quá tuổi sử dụng đối với việc đăng kí & sử dụng tàu biển theo điều 11, Bộ luật Hàng hải năm 2005.

Việc cho thông quan này đã góp phần lớn tạo nên sự trót lọt cho thương vụ mua ụ nổi M83 của Dương Chí Dũng – vốn sai phạm khi chi tới 9 triệu USD để mua ụ nổi chỉ có giá trị thực 2,3 triệu USD, qua đó tham ô 28 tỷ và gây thiệt hại cho Nhà nước 367 tỷ đồng.

Hành vi của ông Lừng và ông Triện được tòa xác định đóng vai trò đồng phạm tích cực, phạm vào tội "Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại tòa sơ thẩm ngày 16/12/2013, hai bị cáo Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện bị Tòa tuyên 8 năm tù cho tội danh trên.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 7/5/2014, Hội đồng xét xử đã giảm mức án xuống còn 6 năm tù cho mỗi bị cáo.

Tuy nhiên, ngày 4/5/2016, sau gần 2 năm thi hành án, ông Lừng và ông Triện đã gửi đơn kêu cứu đề nghị xem xét áp dụng nguyên tắc hồi tố có lợi cho bị cáo theo quy định tại khoản 3, điều 7, Bộ luật hình sự.

Đơn kêu cứu của hai ông này cho rằng trong quá trình xem xét vụ án nêu trên, giữa cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước, các luật gia còn có những quan điểm khác nhau trong việc hiểu, áp dụng các quy định của pháp luật nhằm xác định ụ nổi 83M có phải là tàu biển hay không, do khái niệm tàu biển theo quy định của Điều 11, Bộ luật Hàng hải năm 2005 rất rộng và không được các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành cụ thể.

Theo đó, văn bản số 8915 BGTVT-VT ngày 23/10/2012 của Bộ Giao thông vận tải xác định ụ nổi được xem như là xưởng sửa chữa tàu nổi dùng để thay thế xưởng tàu sửa chữa trên cạn, không phải tàu biển. Quan điểm này cũng được Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đồng thuận.

Lời khai của người làm chứng nguyên là Cục trưởng Cục Đăng kiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), ông Trịnh Ngọc Giao – thành viên Hội đồng giám định tư pháp (Bộ Tài chính) cũng khẳng định ụ nổi không phải tàu biển và pháp luật không quy định về tuổi của ụ nổi khi nhập khẩu.

Bộ luật Hàng hải được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 đã quy định cụ thể hơn về "tàu biển" và "ụ nổi", cụ thể:

Khoản 7, Điều 4, Bộ luật Hàng hải 2015 quy định "Ụ nổi là cấu trúc nổi không tự hành, dùng để nâng, hạ tàu thuyền phục vụ cho mục đích đóng mới, sửa chữa, kiểm tra tàu thuyền".

Điều 13 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định "Tàu biển là phương tiện nổi di động chuyên dùng hoạt động trên biển. Tàu biển quy định trong Bộ luật này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi".

Như vậy, căn cứ như trên thì ụ nổi không phải tàu biển. Do đó các bị cáo kiến nghị được áp dụng nguyên tắc hồi tố có lợi cho bị cáo theo quy định tại Khoản 3, Điều 7, Bộ luật hình sự 1999.

Tổng cục Hải quan đã căn cứ quy định tại các Điều 275 và 293, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2005 để chuyển đơn kêu cứu của ông Lừng và ông Triện lên tòa án, viện kiểm sát xem xét.

Tin mới lên