Tài chính tiêu dùng

Tổng Giám đốc OCB: 'Hạn mức 500 triệu chưa chắc đã hạn chế được rủi ro'

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng với nhiều nội dung thay đổi.

Tổng Giám đốc OCB: 'Hạn mức 500 triệu chưa chắc đã hạn chế được rủi ro'

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB).

Theo dự thảo nếu có tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 1 tỷ đồng, còn không có tài sản bảo đảm, hạn mức là 500 triệu đồng. 

Trả lời phỏng vấn của TBNH, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) - ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng hạn mức 500 triệu đồng là tương đối hợp lý đối với số đông. 

Tuy nhiên, trên thị trường thẻ Việt Nam hiện có nhiều dòng thẻ cao cấp, có ngân hàng cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng có thể lên tới vài tỷ đồng. "Như vậy, tôi cho rằng hạn mức 500 triệu đồng sẽ khó áp dụng cho khách hàng lớn", ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tùng, việc cho vay qua thẻ cũng như các sản phẩm tín dụng khác, khách hàng có thể quan hệ giao dịch với nhiều ngân hàng, theo đó mỗi khách hàng có thể được cấp thẻ ở nhiều ngân hàng.

Ông cũng nêu ra ví dụ về việc một khách hàng được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng lên 500 triệu đồng. Nhưng nếu người này có khoảng 10 thẻ của 10 ngân hàng thì hạn mức mà chủ thẻ này có thể sử dụng lên tới 5 tỷ đồng. Do vậy, ông Tùng khẳng định việc đưa ra hạn mức chưa chắc đã hạn chế được rủi ro.

Ngay cả với quy định chỉ được cấp 80% đối với tài sản bảo đảm, ông Tùng vẫn lo rằng sẽ mâu thuẫn với quy định cho vay bởi theo quy định cho vay thông thường hiện nay, các ngân hàng có thể cấp tín dụng cho khách hàng tới 100% khi có tài sản bảo đảm. 

"Thẻ tín dụng cũng là sản phẩm cho vay, do vậy, quy định tỷ lệ 80% theo tôi là không cần thiết. Tuy cấp hạn mức tín dụng qua thẻ tín dụng cũng có rủi ro nhưng mức độ rủi ro còn ít hơn so với các sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay hộ kinh doanh... Do đó, đối với quy định này, NHNN nên phân theo nhóm thu nhập để các ngân hàng tự đánh giá và quản lý chặt chẽ", ông Tùng nói thêm.

Đối với việc Dự thảo cho phép chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua POS tại các điểm chấp nhận thẻ, Tổng giám đốc OCB cho rằng điều này có cả mặt lợi và bất lợi.

Cụ thể theo ông, việc cho rút tiền mặt tại POS phù hợp với xu thế chung hiện nay khi muốn thẻ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Các ngân hàng hiện nay cũng đều muốn mở rộng kênh cung cấp dịch vụ, tăng mức độ tiện lợi cho khách hàng đồng thời muốn giảm bớt chi phí bằng việc cho khách hàng rút tiền tại POS thay vì ATM.

Cùng với đó, khi đầu tư một máy ATM, các ngân hàng tốn chi phí kép bao gồm chi phí cơ sở vật chất (đầu tư máy, thuê vị trí đặt) và chi phí vận hành như tồn giữ tiền mặt tại ATM, vận chuyển, bảo quản, quản lý an toàn bảo mật... trong khi các nhà kinh doanh bán lẻ họ bao giờ cũng có một lượng tiền mặt nhất định.

Do vậy, việc những nhà kinh doanh chấp thuận cho phép đặt máy POS vô hình chung sẽ là mạng lưới cung cấp dịch vụ cho tài chính ngân hàng, thuận tiện cho người dùng.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho rằng việc cho phép chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt từ POS sẽ tạo ra sản phẩm "cho vay" rủi ro hơn. "Bởi khi cho vay qua thẻ tín dụng, khách hàng sẽ thanh toán hoá đơn, dịch vụ, ngân hàng theo đó sẽ quản lý được mục đích vay. Nhưng khi chủ thẻ rút tiền mặt thì ngân hàng sẽ khó kiểm soát mục đích sử dụng của chủ thẻ", ông lý giải.

Tin mới lên