Tiêu điểm

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc: 'Tôi chịu nhiều sức ép'

“Bản thân tôi làm Tổng kiểm toán, tôi cũng chịu nhiều sức ép, ví dụ như bạn bè, anh em, cấp trên, người quen nhờ vả bỏ kết quả này, hoặc giảm nhẹ đi một chút,… Có rất nhiều sức ép diễn ra và mỗi kiểm toán viên chịu sức ép nào thì các sức ép đó đều dồn lên Tổng kiểm toán”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc chỉa sẻ tại buổi tọa đàm về văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, ngày 1/3.

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc: 'Tôi chịu nhiều sức ép'

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Khẳng định kết quả kiểm toán là “con số biết nói”, ông Hồ Đức Phớc dẫn dụ, năm 2016, kết quả xử lý tài chính trong toàn ngành đạt con số 11.000 tỷ đồng, thì đến 2017 tăng lên 37.000 tỷ, và năm 2018 lên đến con số 45.000 tỷ đồng. “Điều đó thể hiện sự nỗ lực của ngành kiểm toán, đặc biệt đối với các kiểm toán viên. Chúng ta rất độc lập trong quá trình triển khai nhiệm vụ và tính chuyên nghiệp cũng được nâng lên rất nhiều”, ông Phớc đánh giá.

Nói về các trường hợp bị can thiệp bởi người nhà, người thân, hay từ cấp trên…với rất nhiều sức ép, ông Hồ Đức Phớc chia sẻ: “Bản thân tôi làm Tổng kiểm toán, tôi cũng chịu nhiều sức ép, ví dụ như bạn bè, anh em, cấp trên, người quen nhờ vả bỏ kết quả này, hoặc giảm nhẹ đi một chút, thậm chí cũng có thể còn nhận được đề nghị quan tâm, cho lên chức trường hợp này, trường hợp kia… Có rất nhiều sức ép diễn ra và mỗi kiểm toán viên chịu sức ép nào thì các sức ép đó đều dồn lên Tổng kiểm toán”.

Tuy nhiên, Tổng kiểm toán nhấn mạnh, cái chúng ta cần là phải giữ được bản lĩnh, giữ được đạo đức nghề nghiệp. Trong từng tình huống, đối tượng tác động, nhờ vả, kiểm toán viên cần phải có một cách xử sự riêng. Chẳng hạn, với bạn bè thân quen thì mình phải giải thích rõ ràng và nói thẳng “không giải quyết được”. Còn nếu cấp trên tác động, nhưng có thể do bản thân họ chưa hiểu nội dung đó như thế nào, nên mình cũng phải giải thích lại.

“Tôi tin chắc những người lãnh đạo cấp trên của các bạn không ai lái một kết quả đi sai lệch với kết quả mà chúng ta đã phát hiện và có đầy đủ bằng chứng chắc chắn. Nhưng cũng có những trường hợp chúng ta phát hiện ra một vấn đề nhưng chưa đủ bằng chứng, hoặc góc nhìn của chúng ta chưa đủ cơ sở để kết luận và đánh giá một cách chính xác, thì cấp trên phân tích, chỉ ra để đánh giá, kết luận cho chính xác.

Trong quá trình chịu sự tác động, chúng ta phải giữ được tính độc lập, khách quan. Và điều cơ bản của kiểm toán viên là tính liêm chính, nói phải củ cải phải nghe. Mình làm đến cùng sự thật, thì sự thật vẫn là sự thật. Mỗi chúng ta cần giữ vững bản lĩnh của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để mang lại thành tích, uy tín cho ngành mình”, ông Hồ Đức Phớc bày tỏ.

Nói về “uy tín” của ngành, Tổng kiểm toán lưu ý đến việc đưa ra những kết luận khác nhau do chịu sự tác động, hay sức ép nào đó. Ông ví dụ như việc đánh giá kết luận về vấn đề thuế, hôm nay đánh giá đơn vị này với kết luận phải truy thu 100 tỷ, nhưng hôm sau họ khiếu nại xuống còn 50 tỷ, rồi hôm sau lại khiếu nại xuống còn 30 tỷ đồng. “Như vậy thì mình đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? Có chịu sự tác động nào không? Hay mình cũng kém đến mức mình làm sai?…”, ông Phớc nêu.

“Chúng tôi luôn mong muốn các bạn trẻ vươn lên, làm đúng quy trình, đúng hướng dẫn của ngành và phải mềm dẻo nhưng kiên quyết để giữ vững kết quả, đánh giá kết luận, kiến nghị để từ đó tạo ra sức lan tỏa, giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta ngày một tốt hơn”, Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc kỳ vọng.

Tin mới lên