Bất động sản

Tổng mức đầu tư đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo 'đội' hơn 16.000 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo 'đội' hơn 16.000 tỷ đồng

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, giai đoạn 1

Lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc

Chiều 23/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Phạm Thúy Chinh trình bày báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2021.

Theo đó, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. 

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục; có quy định chưa sát với thực tế, khó thực hiện, làm lãng phí thời gian và nguồn lực, nhất là cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Công tác đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung còn nhiều bất cập, như quy trình, thủ tục đấu thầu phức tạp, gây lãng phí về thời gian, làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư, mua sắm; còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh. Ảnh: QH

Tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch; có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành một số dự án trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia còn chậm, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010, đến tháng 10/2021 lũy kế giải ngân vốn ODA chỉ đạt 2,5%, vốn đối ứng chỉ đạt 2,09%.

Đặc biệt trong đó là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.679 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8.2021 chỉ đạt 974 tỷ đồng.

Xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; không phân bổ vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương hoặc không phân bổ hết vốn ngân sách địa phương…

Xử lý nghiêm các hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức thực thi công vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân của cơ quan hành chính nhà nước. 

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Theo báo cáo, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.

Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với thời hạn quy định.

Một trong những giải pháp thời gian tới được nêu ra đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm như: quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.

Xem thêm: Cận cảnh ngổn ngang tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội do vướng mặt bằng, đội vốn

Tin mới lên