Tài chính tiêu dùng

Tổng tài sản thị trường bảo hiểm tăng mạnh

Trong 2 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam đã tăng gần 30.000 tỷ và cao hơn 113.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo về thị trường bảo hiểm mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 2/2021, toàn thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh.

Trong đó bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 19 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cùng 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

So với cuối năm 2020, số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm đã tăng thêm 1 công ty. Tuy nhiên, tổng tài sản các doanh nghiệp trong ngành lại ghi nhận mức tăng mạnh sau 2 tháng.

Cụ thể, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm đến cuối tháng 2 ước đạt 582.385 tỷ đồng, tăng gần 30.000 tỷ (5,4%) so với cuối năm 2020. Nếu so với cùng kỳ tháng 2/2020, số tăng thêm đã lên tới hơn 113.000 tỷ, tương đương 24,1%. Trong số này, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ và tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 422.060 tỷ đồng.

Cũng đến cuối tháng 2, tổng số đầu tư trở lại nền kinh tế của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm đã đạt 470.893 tỷ, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Đóng góp vào số này của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 5,1% và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 73,4%...

Cũng sau 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 26.950 tỷ, tăng 11,8%. Số thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 10.397 tỷ và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 16.553 tỷ đồng.

Nếu so với số tăng cùng kỳ năm 2020, mức tăng của toàn thị trường bảo hiểm nói chung trong 2 tháng đầu năm nay cũng cao hơn nhiều.

Theo ghi nhận từ Bộ Tài chính, như nhiều doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chịu tác động đáng kể của dịch Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên, quy mô thị trường này vẫn ghi nhận mức tăng hai chữ số trong năm gần nhất.

Trong đó, tổng tài sản thị trường này đến cuối năm 2020 đã tăng 20% so với năm 2019, số đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 22%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng 21,5%.

Hoạt động kinh doanh trong năm của nhóm doanh nghiệp này cũng tăng tới 15%, đạt 184.662 tỷ đồng.

Theo báo cáo đánh giá về ngành bảo hiểm năm 2021 của SSI Research, các chuyên gia tại đây dự báo thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong năm nay ở khoản doanh thu phí bảo hiểm gốc với cả loại hình nhân thọ và phi nhân thọ.

Cụ thể, trong năm nay, các công ty bảo hiểm có thể tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng lớn hơn nhờ các hợp đồng bancassurance độc quyền (bán chéo qua ngân hàng) mới được ký kết cuối năm 2020 và nhu cầu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ ở mức khá.

Bên cạnh đó, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và không còn giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng (họp mặt, hội nghị khách hàng...) có thể phục hồi như lúc trước dịch sẽ thúc đẩy hoạt động bán hàng mạnh hơn.

Kinh tế phục hồi cũng thúc đẩy bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng.

Các chuyên gia tại SSI Research dự báo tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc với loại hình nhân thọ sẽ vào khoảng 22% và 10-12% với loại hình phi nhân thọ.

Trong khi đó, động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của nhóm công ty bảo hiểm năm nay sẽ là việc mở rộng tài sản quản lý (AUM). Tuy nhiên, mức tăng lợi nhuận sẽ không bằng với mức tăng doanh thu phí do nhiều yếu tố thị trường.

Tin mới lên