Thị trường

Tổng thống Obama: 'Các công ty dược cũng chỉ trích chúng tôi về TPP'

(VNF) - Nói chuyện với 500 lãnh đạo trẻ Đông Nam Á chiều nay 20/11 tại Malaysia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết TPP là cuộc chơi "có đi có lại" và bình đẳng.

Tổng thống Obama: 'Các công ty dược cũng chỉ trích chúng tôi về TPP'

Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc đối thoại với các đại biểu trong chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tổ chức tại Đại học Taylor tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 20/11/2015, trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 27. (Ảnh:YSEALI)

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có cuộc đối thoại trực tiếp với đông đảo các đại biểu trẻ tham gia chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) 2015 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN vào hồi 4h chiều ngày 20/11/2015 giờ Malaysia, tức 3h chiều giờ Hà Nội tại Đại học Taylor, Kuala Lumpur (Malaysia). Đại học Taylor là địa điểm dừng chân đầu tiên của ông ngay khi đến Kuala Lumpur ngày 20/11 sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Manila (Philippines).

YSEALI là sáng kiến trực tiếp của Tổng thống Barack Obama được ông Obama công bố vào tháng 11/2013 tại Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên ASEAN tại Philippines, nhằm thúc đẩy phát triển lãnh đạo trên toàn ASEAN, hướng tới các thủ lĩnh trẻ trong độ tuổi 18 - 35 đến từ Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tăng cường sự hợp tác với các thủ lĩnh trẻ là yếu tố then chốt trong chính sách Tái cân bằng hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. 

Tại cuộc đối thoại, các đại biểu trẻ từ các nước trong khu vực ASEAN đã đặt ra các câu hỏi cho người đứng đầu nước Mỹ. Trả lời câu hỏi từ một sinh viên Malaysia về việc các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều diễn ra trong bí mật giữa các nhà lãnh đạo mà không có tiếng nói của người dân, ông Obama cho biết công chúng sẽ có tiếng nói trước khi các nhà lập pháp tại mỗi quốc gia thảo luận các chi tiết của hiệp định và đi đến ký kết.

Kể từ khi Hiệp định TPP được công bố, có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những thỏa thuận của hiệp định này. Nhiều ý kiến chỉ trích rằng các chi tiết của TPP đã được giữ bí mật trong suốt hơn 5 năm đàm phán, khiến người dân không được góp tiếng nói vào một thỏa thuận có tác động lớn đến nền kinh tế quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là một trong những người bày tỏ quan ngại về cách thức TPP phát triển một cách bí mật dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Ông Putin đã viết trên trang web của điện Kremlin rằng: "Bản chất kín đáo của TPP khó lòng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của châu Á Thái Bình Dương."

Với quan điểm bảo vệ TPP, phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Obama cho rằng: "Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một "thỏa thuận thương mại tự do siêu khu vực" chiếm 40% GDP toàn cầu, nó sẽ không thể trở thành hiện thực nếu tất cả các nhóm đối tượng có lợi ích liên quan đến hiệp định đều tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài".

"Nếu việc đàm phán với 12 quốc gia mà không có sự đồng thuận của tất cả mọi người... thì hiệp định cũng sẽ không bao giờ được thực hiện", ông Obama trấn an.

"Bản chất của các hiệp định thương mại là phức tạp và có rất nhiều nhóm lợi ích liên quan, do đó, những gì chúng tôi đã thực hiện thay vì ký kết các thỏa thuận ngay từ đầu thì hiệp định sẽ được xem xét tại mỗi quốc gia trước khi đi đến ký kết, việc phê chuẩn phụ thuộc vào các cơ quan lập pháp".

Obama nói thêm: "Tôi tin rằng hiệp định này hứa hẹn tương lai phát triển cho khu vực và chúng tôi sẽ hiện thực hóa nó nhưng tất nhiên không bảo đảm một cách chắc chắn vì hiệp định vẫn phải được Quốc hội thông qua."

Hiệp định TPP sẽ yêu cầu các nước Nhật Bản, Canada, Australia tới Mexico, Việt Nam, Malaysia phải cắt giảm thuế quan trong nội khối và thiết lập các tiêu chuẩn chung về quyền của người lao động, sở hữu trí tuệ...

Obama đã đưa ra ví dụ về ngành công nghiệp dược phẩm Hoa Kỳ để thấy được sự nhượng bộ của Mỹ trong đàm phán.

Trong quá trình đàm phán TPP, bảo hộ về dược phẩm sinh học là "nút thắt" khó cởi nhất. Luật pháp Mỹ quy định các công ty dược phẩm được hưởng quy chế bảo vệ bản quyền thuốc sinh học trong 12 năm. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng các công ty khác sử dụng các nghiên cứu ban đầu để phát triển các sản phẩm tương tự.

Các công ty dược phẩm muốn độc quyền để giữ giá bán, nhưng ngược lại, một số quốc gia mong muốn cắt giảm thời gian độc quyền trên với lý do, giảm độc quyền có thể giúp hạ chi phí ở các nước nghèo hơn. Theo đó, Mỹ đã quay lại nhượng bộ đối với yêu cầu bỏ việc độc quyền đối với thuốc sinh học ít nhất 8 năm. 

"Chúng tôi đã nêu rất cụ thể trong các chương của Hiệp định rằng, phải bảo vệ lợi ích chung cho những lao động có thu nhập thấp," ông nói. "Hiện nay rất nhiều công ty dược phẩm tại Mỹ chỉ trích tôi vì cho rằng không nhận được sự bảo hộ".

"Một phần công việc của chúng tôi là thúc đẩy các ngành công nghiệp dược phẩm trong nước nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo lợi ích những người bệnh tại các nước đối tác sử dụng dược phẩm của chúng tôi".

Tại cuộc đối thoại, chủ đề khủng bố cũng Tổng thống Barack Obama nhắc đến. Theo đó, Obama kêu gọi giới trẻ Đông Nam Á từ chối chủ nghĩa cực đoan và khơi dậy lòng khoan dung. Obama nói rằng thế hệ lãnh đạo trẻ phải hài hòa nền văn hóa riêng của quốc gia với thế giới hiện đại. 

"Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng tương lai của nhân loại phụ thuộc vào cách mà con người đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và phẩm giá. 65% dân số ASEAN ở độ tuổi dưới 35. Những người trẻ như các bạn sẽ là tương lai của khu vực này. Hơn ai hết, chính các bạn là những người có đủ sức mạnh để thay đổi cộng đồng, quốc gia của bạn và cả thế giới", ông Obama nhận định.

Tin mới lên