Tài chính quốc tế

Tổng thống Ukraine muốn tận dụng Dòng chảy phương Bắc 2 để ‘ra điều kiện’ với Nga

(VNF) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng những vấn đề liên quan tới đường ống dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc 2" có thể thúc đẩy việc tổ chức cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhằm bàn tới việc thực hiện thỏa thuận Minks và kết thúc xung đột.

Tổng thống Ukraine muốn tận dụng Dòng chảy phương Bắc 2 để ‘ra điều kiện’ với Nga

Tổng thống Ukraine muốn tận dụng Dòng chảy phương Bắc 2 để ‘ra điều kiện’ với Nga.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ) ngày 15/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Đức nên có một cuộc đối thoại với Nga để bàn về nhiều khía cạnh, đặc biệt là các vấn đề kinh tế.

“Về các lệnh trừng phạt thì hôm nay tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về Dòng chảy phương Bắc 2. Trong trường hợp của chúng tôi, đó là vấn đề an ninh. Đó là công cụ rất quan trọng để đối thoại với Nga, và tôi cho rằng nó rất công bằng. Ngày nay công cụ đó nằm trong tay các nhà lãnh đạo của một số quốc gia châu Âu. Thủ tướng Scholz đóng một trong những vai trò quan trọng trong vấn đề này”, ông Zelensky nói.

Cũng theo nhà lãnh đạo Ukraine, nhờ “một công cụ như vậy”, Ukraine có thể tổ chức một cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Puntin, nơi có thể đạt được một số chuyển biến trong việc thực thi thỏa thuận Minsk, hoặc các bước đi khác để chấm dứt xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine.

Tổng thống Ukraine cũng bổ sung thêm rằng Kiev sẵn sàng cho các cuộc đối thoại với Moscow theo bất kỳ cơ chế nào, nhưng vẫn muốn phương Tây có những chính sách trừng phạt cứng rắn đối với Moscow để ngăn chặn hành động leo thang tiếp theo.

Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra sau khi ông có cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. 3 nhà lãnh đạo tập trung tìm cách khôi phục đàm phán với Nga, trong khi vẫn gia tăng áp lực đối với Moscow nhằm răn đe động thái mà phương Tây gọi là những chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào lãnh thổ Ukraine.

Trước đó, tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hồi đầu tuần cũng tuyên bố Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không được phép hoạt động trong trường hợp có bất kỳ “leo thang” mới nào ở Ukraine.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cũng nhắc lại lời đe dọa trước đó của Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng: "Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu tin rằng việc vi phạm biên giới của một quốc gia châu Âu sẽ vẫn tồn tại mà không có hậu quả".

Tuyên bố của bà Baerbock được đưa ra trong lúc Nga và Ukraine đều đang tăng cường các hoạt động quân sự giữa bối cảnh căng thẳng leo thang làm dấy lên nguy cơ bùng nổ xung đột.

Sự gia tăng các hoạt động quân sự của hai bên sau nhiều tuần căng thẳng leo thang đã làm dấy lên nguy cơ chiến tranh giữa hai nước láng giềng này mặc dù Nga phủ nhận ý định tấn công và các nguồn tin tình báo phương Tây nhận định với Reuters rằng, một cuộc xung đột quân sự trong tương lai gần khó có khả năng xảy ra.

Hồi tuần trước, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chính là "công cụ gây sức ép của phương Tây" đối với Nga để ngăn nguy cơ nước này tấn công Ukraine.

Ở động thái liên quan, tân Thủ tướng Áo Karl Nehammer hiện đang gây sức ép để thúc đẩy vận hành nhanh chóng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Ông Nehammer cho rằng đây là dự án quan trọng, giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Liên minh châu Âu (EU). Trước đề nghị của Mỹ coi Dòng chảy phương Bắc 2 như công cụ gây sức ép đối với Nga liên quan cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, Thủ tướng Áo Nehammer đã bác bỏ ý tưởng liên kết việc vận hành dự án với phản ứng của Nga liên quan vấn đề Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Áo, điều đó sẽ chỉ gây hại cho EU.

Xem thêm >> Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn 'bế tắc', giá khí đốt châu Âu tiếp tục leo thang

Tin mới lên