Tài chính

Tổng thu NSNN từ đất ước đạt gần 50.000 tỷ đồng năm 2015

(VNF) - Tổng thu NSNN từ đất đạt gần 50.000 tỷ đồng, chiếm 5,55% tổng thu NSNN và 1,1% GDP.

Tổng thu NSNN từ đất ước đạt gần 50.000 tỷ đồng năm 2015

Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị khu vực châu Á chương trình chia sẻ tri thức (KSP) của Hàn Quốc với Việt Nam năm 2015 về "Cải cách quản lý tài chính công ở các nước châu Á" được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/11.

Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước về vấn đề khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công được xem là cần thiết và hữu ích để hoàn thiện cơ chế này tại Việt Nam.Về quản lý tài chính công, đổi mới cơ chế khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công là một phần đổi mới trong chính sách của tại Việt Nam.

Phạm vi khai thác nguồn lực tài chính từ quản lý, sử dụng tài sản công của Việt Nam bao gồm: khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai; khai thác nguồn lực tài chính từ sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại khối hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước; khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong đó, chính sách khai thác nguồn lực từ đất đai bao gồm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến sử dụng đất; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (trong doanh nghiệp liên doanh); xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Đánh giá kết quả khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai của Việt Nam, bà Tô Quỳnh Thảo, Phó Trưởng phòng, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết chính sách tài chính đất đai đã từng bước được thể chế hóa theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thu hẹp sự phân biệt giữa các tổ chức trong nước và tổ chức ngoài nước.

Số thu ngân sách từ đất tăng trưởng qua các năm, trong đó thu tiền từ sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao nhất (hơn 70%) và có mức tăng cao nhất. Cụ thể, năm 2002, trước thời điểm Luật Đất đai năm 2003 được ban hành, tổng thu NSNN đạt 123.860 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ đất là 5.486 tỷ đồng, chiếm 4,43% tổng thu NSNN.

Tổng thu NSNN về đất tăng cao kể từ khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực, giá đất theo giá thị trường tăng 2 - 4 lần. Đặc biệt thời điểm 2010, thị trường bất động sản phát triển đỉnh điểm, tổng thu ngân sách nhà nước tăng cao đạt 604.570 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ đất là 67.767 tỷ đồng, chiếm 11,21% tổng thu NSNN.

Bà Thảo cũng cho biết, dự báo đến hết năm 2015, tổng thu NSNN sẽ đạt 895.569 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ đất là 49.678 tỷ đồng, chiếm 5,51% tổng thu NSNN.

Tuy nhiên, việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai của Việt Nam cũng tồn tại một số hạn chế như hệ thống chính sách tài chính đất đai vẫn còn phức tạp, thiếu tính ổn định, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn còn chậm được xử lý; nguồn lực tài chính đất đai lớn nhưng chưa khai thác đầy đủ và chủ động, một phần địa tô chênh lệch từ đất chưa được tập trung vào NSNN.

Ngoài ra, hệ thống các công cụ tài chính chưa đủ mạnh và còn hạn chế về năng lực dẫn đến kết quả thu tài chính cũng như vai trò điều tiết, kiểm soát thị trường còn hạn chế.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra dự báo khả năng khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai đến năm 2020, theo đó, sẽ có 2 phương án lựa chọn.

Phương án thứ nhất, căn cứ vào hiện trạng quy hoạch sử dụng đất giá nhà đất bình quân do nhà nước đang điều hành thu hiện nay và các chính sách thu hiện tại, tổng số thu NSNN từ đất (bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỷ đồng/năm.

Phương án thứ hai, căn cứ vào hiện trạng quy hoạch sử dụng đất, chính sách thu hiện hành, giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản, tổng số thu NSNN từ đất bình quân là 98.624 tỷ đồng/năm.

Theo đó, dự báo quy hoạch đến năm 2020 của cả nước, sẽ có 26.732 ha đất nông nghiệp (chiếm 80,77%), diện tích đất phi nông nghiệp là 4.880 ha (14,75%) và 1.483 ha diện tích đất chưa sử dụng (chiếm 4,48%), đưa vào sử dụng 1.681 ha đất so với năm 2010. Năm 2010, diện tích đất chưa sử dụng là 3.164 ha.

 

Tin mới lên