Tài chính

[Top 10 DNNY] Vinamilk: ‘Rực rỡ’ liền 5 năm, thành công đến từ chất lượng hay chiến lược?

(VNF) – Không quá bất ngờ khi Vinamilk được xướng tên dẫn đầu trong danh sách những công ty "khuynh đảo" sàn chứng khoán Việt Nam. Trong 5 năm liên tiếp, từ 2012 – 2016, Vinamilk đều đứng đầu thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa lên đến 195.947 tỷ đồng.

[Top 10 DNNY] Vinamilk: ‘Rực rỡ’ liền 5 năm, thành công đến từ chất lượng hay chiến lược?

Sau 5 năm từ 2012 đến nay, Vinamilk vẫn "yên vị" là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Thật khó hình dung một doanh nghiệp sữa được hình thành từ những năm tháng khó khăn trong giai đoạn 1970 – 1980 lại gặt hái được những thành công đáng nể như hiện tại. Chỉ tính riêng trong 5 năm vừa qua, từ năm 2012 khi là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, Vinamilk đã có những bước tiến rất xa. 

Gần đây nhất phải kể đến việc Vinamilk là thương hiệu sữa duy nhất trong ngành được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2014 và cũng là doanh nghiệp sữa duy nhất trong khu vực đạt giải thưởng công nghiệp thực phẩm toàn cầu tại Canada. Năm 2015, Vinamilk xếp thứ 49 doanh thu toàn cầu về các sản phẩm từ sữa (Theo số liệu từ EuroMonitor).

Trong ngành sữa, hiện nay Vinamilk chiếm 55% thị phần sữa nước, 85% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần sữa bột và với 212.000 điểm bán lẻ và 575 cửa hàng phân phối trực tiếp. 

Đặc biệt, Vinamilk đã được đi xuất khẩu 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả những nước có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như Nhật, Canada, Mỹ, Úc…

Kết quả kinh doanh trong 5 năm gần đây của Vinamilk cũng tăng tưởng liên tục. Năm 2012 doanh thu thuần của Vinamilk chạm mốc 26.561 tỷ đồng thì đến năm 2016, con số này đã lên đến 46.974 tỷ đồng, tương đương với tăng trưởng hơn 56%. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 60% trong 5 năm, từ 5.819 tỷ đồng năm 2012 lên 9.363 tỷ đồng năm 2016.


Sức tăng trưởng vượt bậc của Vinamilk khiến nhiều người không khỏi thắc mắc về "bí mật" thành công của công ty. Liệu thành công này đến từ chất lượng hay chiến lược?

"Dồn sức" cải tiến công nghệ

Mức sống ngày càng tăng, nhất là ở các khu đô thị, khiến người tiêu dùng quan tâm và coi trọng chất lượng thực phẩm. Sản phẩm sữa cũng không ngoại lệ. Nhiều người vì tin tưởng vào công nghệ hiện đại của các hãng sữa nước ngoài mà không ngại "tặc lưỡi" cho qua giá cả đắt đỏ để thỏa mãn nhu cầu. Nắm bắt tâm lý tiêu dùng thời đại mới, Vinamilk không nằm ngoài "cuộc chạy đua" về công nghệ và kỹ thuật sản xuất tiên tiến.

Nếu quan sát kỹ sẽ dễ dàng nhận thấy, trong 5 năm gần đây, Vinamilk liên tục cải tiến công nghệ và mở rộng nhà máy nhằm đi đầu trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại để thực hiện mục tiêu nâng tầm chất lượng sữa nội địa. Quan điểm kinh doanh của Vinamilk được thống nhất rõ ràng: "Không thể có những sản phẩm tốt nhất nếu không có những công nghệ tốt nhất".

Năm 2013 đánh dấu mức đầu tư "khổng lồ" của Vinamilk vào 2 siêu nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới tại tỉnh Bình Dương, với tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng là nhà máy sữa bột và nhà máy sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước). Cả hai nhà máy đều được trang bị công nghệ tiên tiến nhất ngành sữa và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và môi trường. 

Cụ thể, nhà máy sữa bột được cung cấp công nghệ bởi Tập đoàn GEA (Đức), có công suất 54.000 tấn bột/năm và cung cấp cho 700.000 trẻ em Việt Nam. Nhà máy này đi vào hoạt động từ tháng 4/2013.

Còn nhà máy sữa Việt Nam sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại do tập đoàn hàng đầu về sữa Tetra Pak (Thụy Sĩ) cung cấp. Nhà máy này có diện tích hơn 20 ha, công suất 800 triệu lít/năm với số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Ngay từ khi đi vào hoạt động, hai siêu nhà máy đã giúp Vinamilk đạt doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012.

Theo ông Bert Jan Post, Giám đốc điều hành Công ty Tetra Pak Việt Nam cho biết, các trang thiết bị mà tập đoàn này cung cấp cho Vinamilk đều là công nghệ mới nhất trên thế giới. Nhà máy sữa nước hoạt động dựa trên nguyên tắc khép kín từ đầu tới cuối và sử dụng công nghệ xuất ly tâm tách tán khuẩn hiện đại, giúp loại bỏ tới 99,9% vi khuẩn trong sữa đầu vào. 

Đồng thời, công nghệ UHT tiệt trùng ở nhiệt độ cao 1.400 độ C trong thời gian ngắn 4 – 6 giây sẽ tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn còn lại. Đây là những bước tiến quan trọng trong việc vận dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất ở Việt Nam.

"Bài toán" nguyên liệu đầu vào

Về chiến lược nguyên liệu đầu vào, Vinamilk đặt mục tiêu tăng nguyên liệu nội địa từ 30 – 40%. Để thực hiện hóa điều này, hiện tại Vinamilk đang thực hiện đúng tiêu chuẩn quốc tế về nguyên liệu đầu vào từ khâu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chế biến thức ăn cho đến quản lý thú y, môi trường.

Tính đến nay, tổng đàn bò (bao gồm bò tại các trang trại của Vinamilk được nhập từ Úc, Mỹ và hợp tác với bà con nông dân) là 120.000 con, cung cấp 750 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Dự kiến hết năm 2017, số bò của Vinamilk sẽ có khoảng 160.000 con và 200.000 con với sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng gấp đôi vào năm 2020.

Trong 5 năm qua, Vinamilk đầu tư khoảng 4 trang trại sữa với tổng số vốn đầu tư 3000 tỷ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò), Hà Tĩnh (3000 con bò), Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con bò và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3000 con bò. Ghi nhận sự cố gắng của Vinamilk, năm 2013 Vinamilk được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 cho 2 trang trại bò ở Tuyên Quang và Nghệ An.

Một điều đáng nói là giá mua nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam hiện đang cao hơn so với trên thế giới. Trong khi giá nguyên liệu ở Mỹ nếu tính theo tiền Việt là 9.000 đồng/lít thì ở Việt Nam, giá này là 12.000 đồng/lít. Do đó, Vinamilk đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ nhằm tận dụng lợi thế về chi phí đầu vào, rồi xuất khẩu ngược về Việt Nam. Hơn nữa, điều này cũng làm thỏa mãn tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt.

Đem chuông đi đánh xứ người

Năm 2012 đánh dấu một mốc quan trọng trong làn sóng M&A đổ bộ vào Việt Nam, điều này khiến Vinamilk nhận ra tiềm năng của chiến lược toàn cầu hóa. Người "thuyền trưởng" của đoàn tàu Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, đã mạnh dạn "đem chuông đi đánh xứ người", liên tục mở rộng quy mô của Vinamilk tại các quốc gia khác.

Đáng kể phải nói đến các khoản đầu tư mạnh tay để sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ), 22,8% vốn cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand), 51% cổ phần đầu tư nhà máy Angkor Milk tại Campuchia và công ty con tại Ba Lan để làm cửa ngõ giao thương với các nước châu Âu. Những thương vụ này đều đem lại doanh thu cả trăm triệu USD về cho Vinamilk.

Cụ thể, sau khi đầu tư tầm 10 triệu USD để nắm giữ 100% quyền sở hữu tại nhà máy Driftwood tại Mỹ, Vinamilk đã thu về cho mình doanh thu 119 triệu USD, tương đương với 2.600 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% doanh thu hợp nhất của Vinamilk trong năm 2015.

Trước đó, năm 2012, Vinamilk góp vốn vào nhà máy Miraka tại New Zealand, mang về tổng cộng 158 triệu NZD doanh thu và 7,5 triệu lợi nhuận sau thuế năm 2015 cho công ty. Đồng thời, Vinamilk đã nâng tỷ lệ sở hữu tại nhà máy này từ 19,3% lên 22,81%. Nhà máy này đã đóng góp lợi nhuận cho Vinamilk thông qua chi trả cổ tức và cung cấp sữa bột cho Vinamilk cùng các công ty con.

Còn nhà máy sữa Ankor tại Phnom Penh (Campuchia) được khánh thành từ tháng 5/2016, có công suất 19 triệu lít/năm, 65 triệu hũ sữa/năm và 80 triệu hộp sữa đặc/năm. Doanh thu dự kiến của nhà máy này tăng từ 35 triệu USD năm 2015 lên 54 triệu USD vào năm 2017.

Năm 2014, Vinamilk cũng được cấp phép đầu tư 100% vốn thành lập công ty con tại Ba Lan. Đến năm 2015, tổng sản lượng của các công ty con này đạt 18.000 tấn sữa bột với tổng doanh thu gần 33 triệu USD.

Nhờ sự hiện diện của Vinamilk tại các nhà máy lớn ở Mỹ, New Zealand, Campuchia... mà hiện tại các sản phẩm từ sữa của Vinamilk đã có mặt ở 43 quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Úc… Theo kế hoạch của công ty, trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ.

Tin mới lên